MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 40 dự án hạ tầng hàng hải mời tư nhân đầu tư

Bộ GTVT và ngành Hàng hải đang quyết tâm “trải thảm đỏ” mời gọi tư nhân bỏ vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lĩnh vực hàng hải.

Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Đức Tiến cho biết, danh mục dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng hàng hải lên tới hơn 40 dự án trong giai đoạn 2015-2020. Tổng số vốn đầu tư cần khoảng 43 nghìn tỷ đồng.

Theo đề án xã hội hóa hàng hải đã được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2015 - 2020, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển và bến cảng, ba dự án hệ thống hàng hải điện tử, 9 công trình neo đậu, tránh trú bão cần huy động vốn để đầu tư. Trong số này, đã có 7 dự án được các nhà đầu tư đăng ký tham gia với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 7 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2016 cũng có ba dự án đang được các nhà đầu tư đăng ký tham gia và chuẩn bị được triển khai.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án hạ tầng hàng hải hiện nay có tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn tư nhân lên đến 75-80%. Trong cuộc họp mới đây về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư vào hàng hải còn lớn hơn trước rất nhiều, trong khi vốn từ ngân sách tiếp tục rất hạn chế. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng hải tới đây còn phải làm tốt hơn nữa. Cần thu hút tư nhân đầu tư toàn bộ các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải. Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng mà Nhà nước đầu tư vào hàng hải. Từ nay, Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân và những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Về giải pháp thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng hàng hải, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trước hết cần thay đổi tư duy làm quản lý Nhà nước: “Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, quản lý Nhà nước không phải chỉ biết báo cáo lên trên là chỗ này, chỗ kia thiếu vốn mà phải tìm giải pháp, khơi thông dòng vốn đầu tư. Vai trò của quản lý Nhà nước là phải phân tích được vì sao tư nhân quyết định đầu tư, có những thuận lợi gì, đang còn vướng mắc gì, có thể tháo gỡ gì cho nhà đầu tư, từ đó có giải pháp tiếp tục huy động”, Bộ trưởng nói và cho biết, phải thay đổi quản trị doanh nghiệp, để tư nhân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Dứt khoát phải sửa đổi quy chế đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Trải thảm đỏ là trải thảm đỏ thật sự.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng hàng hải, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về đầu tư, có chính sách nhất quán, rõ ràng, minh bạch về việc ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng hàng hải. Bộ luật Hàng hải đang được sửa đổi, bổ sung tới đây sẽ có nội dung về cho thuê, nhượng quyền khai thác cơ sở hạ tầng cảng biển với những quy định rõ ràng về pháp lý sẽ khiến nhà đầu tư an tâm bỏ vốn lớn để sở hữu, khai thác lâu dài hạ tầng hàng hải.

”Cần công khai, minh bạch thông tin về các dự án cần kêu gọi đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin về dự án. Đây là cơ sở cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt dự án, để có thể đi đến quyết đinh tham gia đầu tư một cách chính xác, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư tiếp cận vay vốn ngân hàng”, ông Thái nói.

Theo Phương Anh

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên