MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Hàng Việt đang xuất đi đắt hơn…

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự thúc đẩy ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp có vốn FDI trong khi các công ty trong nước lại bị trì trệ kéo xuống...

Tóm tắt:

- Theo HSBC, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,1% trong năm 2015 từ mức 6% trong năm 2014.

- Chỉ số PMI đạt mức tăng cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011, từ 50,7 điểm trong tháng 3 lên 53,5 điểm trong tháng 4.

- Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự thúc đẩy ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp có vốn FDI trong khi các công ty trong nước lại bị trì trệ kéo xuống.

- Về vấn đề lạm phát, HSBC cũng đưa ra dự báo, lạm phát sẽ chỉ chạm mức thấp 3% vào cuối năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trung bình 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt 0,8% so cùng kỳ năm ngoái.


Trong báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được công bố, Bộ phân nghiên cứu của Ngân hàng HSBC nhận định rằng, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đang cải thiện một cách vững chắc. Trên cơ sở đó, HSBC cũng kỳ vọng tăng trưởng sẽ đạt mức 6,1% trong năm 2015 từ mức 6% trong năm 2014.

Chỉ số PMI mạnh mẽ

Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 4 là một minh chứng về tính cạnh tranh của chi phí nhân công Việt Nam. Theo đó, chỉ số PMI đạt mức tăng cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011; từ 50,7 điểm trong tháng 3 lên 53,5 điểm trong tháng 4.

Sản lượng, đơn hàng mới, đơn hàng xuất khẩu mới, công ăn việc làm và lượng mua hàng đều gia tăng. Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cũng cho rằng, lĩnh vực sản xuất đang hoạt động tốt không nhất thiết phản ánh nhu cầu trên toàn cầu đang gia tăng, đúng hơn là do sức ảnh hưởng của đầu tư mới vào ngành sản xuất tại Việt Nam. Với nhiều nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động, sản lượng tiếp tục tăng bất kể cầu bên ngoài trì trệ.

Theo đánh giá của HSBC, công ăn việc làm và đầu tư gia tăng đều là những lợi ích có được từ FDI. Điều này giúp bù lại sự tăng trưởng trì trệ về công ăn việc làm trong khối nhà nước cũng như tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhận được hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, từ thuế cho tới cơ sở hạ tầng. Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ là muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cải thiện sự kết nối của các công ty trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện hai xu hướng đáng lo ngại: các ngành công nghiệp trong nước đang dần suy yếu và nhập khẩu lại bắt đầu gia tăng, đặc biệt thiên về hàng hóa tiêu dùng.

Hàng Việt đang xuất đi đắt hơn…

Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự thúc đẩy ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp có vốn FDI trong khi các công ty trong nước lại bị trì trệ kéo xuống. Xuất khẩu hàng điện tử của các doanh nghiệp FDI là yếu tố đằng sau những tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các mặt hàng thô giảm do giá hàng hóa giảm và nhu cầu trì trệ. Thậm chí, các ngành sản xuất nội địa truyền thống như dệt may và giày dép cũng chậm lại do tính cạnh tranh từ giá cả ngày càng giảm đi khi tỷ giá tăng trên cả cơ sở thực tế lẫn danh nghĩa.

Lo ngại nhập khẩu gia tăng

Nhu cầu gia tăng đối với hàng hóa nước ngoài đã làm thâm hụt thương mại tăng lên đến 3 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu nhanh chóng từ các doanh nghiệp FDI không đáng ngại vì giá trị gia tăng chủ yếu của Việt Nam vẫn là nhân công và hầu hết các nguyên liệu đầu vào đều được nhập khẩu.

Ngược lại, điều đáng ngại là sự gia tăng nhập khẩu của các công ty trong nước trong khi xuất khẩu của khối này đang giảm tính từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy nhiều mặt hàng nhập khẩu trong đó có ô tô, đang không được sử dụng cho sản xuất và nâng cấp công nghệ; mà chỉ để tiêu dùng.

Ngoài ra, về vấn đề lạm phát, HSBC cũng đưa ra dự báo, lạm phát sẽ chỉ chạm mức thấp 3% vào cuối năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trung bình 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt 0,8% so cùng kỳ năm ngoái.

>>>HSBC: Sản xuất phục hồi, chỉ số PMI tháng 4 cao nhất 4 năm

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên