MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô

HSBC nhận định, Việt Nam đang có mức giảm lạm phát “tốt” có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.

Tóm tắt:

- HSBC nhận định, nhu cầu toàn cầu giảm sút chắc chắn là một mối lo ngại đối với Việt Nam

- Nguồn thu từ dầu bắt đầu giảm. Doanh thu từ các nguồn khác không phải dầu mỏ hồi phục thì sự sụt giảm nguồn thu sẽ được giảm nhẹ.

- Tin tốt lành là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô mà tập trung vào các mặt hàng sản xuất.

-HSBC đánh giá mức giảm lạm phát tốt có thể hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam


Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 2/2015 của Việt Nam.

Bản báo cáo bắt đầu bằng câu hỏi: Đâu là những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2015? Và khẳng định: Nhu cầu toàn cầu giảm sút chắc chắn là một mối lo ngại.

Theo HSBC, nền kinh tế chú trọng vào thương mại với hoạt động xuất khẩu đã vươn tầm tới toàn cầu và chiếm hơn 80% GDP của cả nước. Các sự kiện toàn cầu, đặc biệt ở những thị trường quan trọng như Mỹ, Khối đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động trong nước.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng Giêng vừa công bố cũng cho thấy Việt Nam không thoát khỏi sức ảnh hưởng của nhu cầu bên ngoài trì trệ với đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm đáng kể.

Chỉ số PMI ngành sản xuất - vốn tăng mạnh kể từ tháng 9/2013 - trong tháng Giêng đã giảm mặc dù nhân công việc làm vẫn đang tăng, chi phí đầu vào thấp hơn và đơn đặt hàng mới vẫn tiếp tục cao.

Đánh giá về tác động của việc giảm giá dầu, báo cáo phân tích: Nguồn thu từ dầu bắt đầu giảm. Khi doanh thu từ các nguồn khác không phải dầu mỏ hồi phục thì sự sụt giảm nguồn thu sẽ được giảm nhẹ bằng các biện pháp khác như tăng thêm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng Việt Nam có mức giảm lạm phát “tốt” có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.

Trong 5 tháng qua, giá cả giảm trung bình khoảng 0,2% so với tháng trước. Hầu như việc giảm giá này là do nguồn cung tích cực của giá dầu mỏ rẻ hơn và trong năm 2015 còn có thể giảm thêm. Chi phí dịch vụ và tăng trưởng tín dụng cao hơn có thể tạo áp lực nhiều thêm đối với giá cả mặc dù rất nhẹ.

Báo cáo nêu ví dụ, giá điện dự kiến sẽ tăng 9,5% trong năm 2015. Cùng với điều này, NHNN đang đề ra mục tiêu tăng trưởng 13-15% để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước trong năm 2015 đạt 6,2%.

Bên cạnh đó, tin tốt lành là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô mà tập trung vào các mặt hàng sản xuất. Chẳng hạn, thị phần của ngành hàng sản xuất trong tổng doanh thu xuất khẩu đã tăng từ 33% trong năm 2007 lên 48% trong năm 2014. Chính vì vậy, chi phí đầu vào thấp đã hỗ trợ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và đối trọng một vài yếu tố tiêu cực từ việc giá trị xuất khẩu hàng hoá suy giảm.

Báo cáo cho rằng thách thức lớn nhất đối với Việt Nam ở trong ngắn hạn và trung hạn có thể là do cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là phân bổ các khoản tín dụng như thế nào giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên