MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ì ạch” dòng vốn FDI: Do “vắng” siêu dự án?

Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt 5,49 tỷ USD; bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,3 tỷ USD; tăng 9,6% với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến ngày 20/6/2015, cả nước có 757 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 3,83 tỷ USD, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2014. Có 281 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,65 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên do không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 nên số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.

Theo lĩnh vực đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 338 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,18 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 119 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 276,5 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, tính đến nay đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,52 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. BritishVirginIslands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 684,8 triệu USD chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư,

Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 627,5 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,12 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỷ USD, chiếm 18,8%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 433,7 triệu USD, chiếm 7,9%.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng năm 2015 bao gồm:

- Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.

- Dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại Tp Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

- Dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD do nhà đầu tư Hồng Kông tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, sản xuất vải màu.

- Dự án Cty TNHH MTV điện gió Trà Vinh 1 tại Trà Vinh đầu tư trong lĩnh sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp điện vào lưới điện quốc gia, do nhà đầu tư Hàn Quốc dự án được đầu tư với số vốn là 120 triệu USD.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên