MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch đầu tư trung hạn từ ngân sách

Để khắc phục tình trạng bị động, mất cân đối trong bố trí nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ,…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý về lĩnh vực này.

Thời gian vừa qua, cùng với các nguồn vốn đầu tư khác, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đất nước, tạo môi trường thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư hiện nay chỉ được xây dựng cho kế hoạch hàng năm, chưa được tính tương xứng trên cơ sở các cân đối nguồn lực trung hạn và dài hạn, dẫn đến tình trạng bị động, mất cân đối trong bố trí nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, việc phân cấp thẩm quyền quản lý đầu tư chưa hợp lý, triển khai thực hiện không nghiêm đã dẫn đến tình trạng các bộ, ngành, địa phương phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng nguồn lực nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Việc bố trí vốn đầu tư dàn trải, manh mún, thời gian thi công các dự án kéo dài, tăng chi phí, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước,…

Tập trung, thống nhất về mục tiêu, phân cấp trong quản lý đầu tư

Do vậy trong dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến quy định kế hoạch đầu tư trung hạn được lập phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn NSNN, khả năng huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, các lĩnh vực, các vùng lãnh thổ, theo các mục tiêu và định hướng phát triển của từng thời kỳ. Bố trí vốn tập trung cho các dự án hoàn thành trong kỳ kế hoạch, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng cấp bách khác cần đẩy nhanh tiến độ.

Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư trung hạn là bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế chính sách, đồng thời phân cấp trong quản lý đầu tư, tăng cường quyền chủ động của địa phương, cơ sở theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trách nhiệm của các cơ quan

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao bộ, ngành Trung ương nhiệm vụ lập kế hoạch đầu tư trung hạn do bộ, ngành trực tiếp quản lý và các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao.

Đồng thời, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn do các bộ, ngành trực tiếp quản lý. Kiểm tra, giám sát việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện các dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn theo ngành, lĩnh vực trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật,...

Đối với HĐND các cấp, dự thảo quy định: Căn cứ vào kế hoạch đầu tư trung hạn của quốc gia, của ngành, lĩnh vực, HĐND các cấp quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương của cấp mình phù hợp với mục tiêu và đặc điểm phát triển của địa phương;… Đồng thời, giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn của cấp mình.

Đối với UBND các cấp, dự thảo yêu cầu UBND các cấp phải tổ chức lập kế hoạch đầu tư trung hạn của cấp mình; dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, trình HĐND cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp, cơ quan kế hoạch cấp trên trực tiếp.

Dự thảo đang được đăng toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.


Theo Trần Mạnh

Chinhphu.vn

cucpth

Trở lên trên