MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khi AEC được thành lập, bán lẻ sẽ là ngành đầu tiên gặp khó"

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khi nhận định về những thách thức mà VN sẽ phải đối mặt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 22/1, các khách mời tham dự chương trình đã có những chia sẻ và phân tích về cơ hội, cũng như thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước thềm AEC.

Mục tiêu chính của AEC là phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự kết nối mạnh của thị trường các quốc gia thành viên. AEC hướng tới việc đưa Asean trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế cân bằng, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Tại buổi tọa đàm, nhận định về những cơ hội và thách thức khi gia nhập AEC, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN góp phần giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có.

ASEAN là 1 thị trường chung rộng lớn, cơ hội xuất khẩu cũng như phát triển sản xuất lớn. Bên cạnh đó, thông qua các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Không những thế, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong thời gian tới sẽ giúp cho Việt Nam thu hút nhiều lao động có tay nghề từ các nước khác, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn và tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Các nước trong khối ASEAN có sự phát triển đồng đều về cơ sở kỹ thuật, hạ tầng, về trình độ kinh tế và sản xuất … Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hướng tới đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với Việt Nam. Những thách thức này bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng, pháp lý, nguồn nhân lực còn yếu kém …

“Cơ hội không tự đem đến, mà đòi hỏi chúng ta phải chủ động nắm bắt. Ngược lại, khó khăn luôn tự xuất hiện. Do vậy, để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức, Việt Nam cần sự nỗ lực từ nhiều phía: Đảng, Chính phủ, nhà nước, doanh nghiệp và người dân” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong ngắn hạn, lĩnh vực gặp cạnh tranh lớn nhất khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ là ngành bán lẻ, cụ thể là lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

Ông Sơn dẫn chứng, hiện tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp của Thái Lan đang cố gắng tiếp cận thị trường bán lẻ của Việt Nam. Hàng hóa của các nước ASEAN, trong đó có hàng hóa của Thái Lan sẽ xâm nhập mạnh vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và có xu hướng ưa dùng hàng ngoại vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Do đó, trong thời gian tới, ngành bán lẻ sẽ là ngành đầu tiên “gặp khó” khi AEC được thành lập.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, khó khăn thứ 2 mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là sự di chuyển của lao động có kỹ năng. Theo số liệu thống kê, chỉ có khoảng 20% lao động có chuyên môn trong tổng lực lượng lao động của Việt Nam.

Điều này cho thấy, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, đây cũng sẽ là một đe dọa lớn dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” khi các lao động có kỹ năng của nước ngoài gia nhập vào các vị trí trong nền kinh tế Việt Nam; trong khi lao động Việt Nam có tay nghề lại di chuyển ra bên ngoài, hoặc hướng tới các doanh nghiệp FDI ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

“Nếu chúng ta không nhìn thấy những điều mình đã làm được thì sẽ không có ý chí để vượt qua. Việt Nam khác các quốc gia ASEAN khác ở chỗ chúng ta bắt đầu từ con số 0. Nhìn vào những gì đã làm được thì chúng ta có quyền tự hào bởi Việt Nam đã không còn thua kém quá xa so với Philipines, Thái Lan hay Indonesia” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tổng kết.

>>>Thách thức mang tên AEC và những nỗ lực của Việt Nam

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên