MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chuyên thì khó hội nhập

Theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN, kế toán là một trong 8 lĩnh vực, ngành nghề đầu tiên được di chuyển tự do sau thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức lớn nếu ngành kế toán, kiểm toán nước ta không nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và thông lệ quốc tế.

Hệ thống các dịch vụ kế toán, kiểm toán ở nước ta đã được hình thành 25 năm qua. Hiện đã có hơn 140 DN kiểm toán, gần 100 DN dịch vụ kế toán và khoảng 2 nghìn kế toán, kiểm toán viên. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá “mỏng” so với nhu cầu chung của thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hiện nay, với khoảng 40 nghìn khách hàng, bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam mới chỉ có gần 5 nghìn người có chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế, một con số khá khiêm tốn so với những quốc gia trong khu vực như Singapore và Thái Lan.

Trong khi đó, nhìn lại thực trạng chất lượng nguồn nhân lực cho ngành kế toán và kiểm toán Việt Nam, một vị đại diện cơ quan quản lý Nhà nước mới đây đã thẳng thắn chia sẻ: Ông cảm thấy xấu hổ vì trường nào cũng đào tạo kế toán. 6 điểm cũng vào kế toán mà 28 điểm cũng học kế toán. Ở Việt Nam, số lượng người học kế toán rất đông nhưng những người thiếu năng lực cũng nhiều.

Một lo lắng của ngành kế toán, kiểm toán trong hội nhập là dù đào tạo chứng chỉ hành nghề kế toán ở Việt Nam đã lâu, nhưng hiện nay chứng chỉ này vẫn chưa được công nhận chính thức ở quốc tế. Do đó, dịch vụ kế toán và kiểm toán đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn từ hội nhập, trước hết là với AEC, sau là theo các cam kết hội nhập TPP và Liên minh châu Âu.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, trước mắt, các kế toán, kiểm toán viên của nước ta cần nâng cấp lên chứng chỉ kiểm toán viên ASEAN, để đủ điều kiện hành nghề ở tất cả các nước ASEAN mà không phải xin phép, không phải thi sát hạch, chỉ cần đăng ký hành nghề theo quy định của nước đó.

Về lâu dài, Nhà nước cần gấp rút hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và có những chiến lược phù hợp để bổ sung nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đạt chuẩn quốc tế. Đây là điều cần nỗ lực thực hiện, vì kế toán và kiểm toán là ngành đi đánh giá hoạt động của các con số tài chính, nên nếu không chuyên thì rất khó hội nhập.

Theo An Tư

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên