MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát lạm phát

Sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước chỉ tăng 2,4%. Ðây được coi là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng gần 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tính ổn định của CPI ở nước ta rất mỏng manh, thiếu bền vững cho nên dù lạm phát sáu tháng qua ở mức thấp thì vẫn cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.

Có thể thấy, CPI các tháng từ đầu năm đến nay đều tăng ở mức thấp, thậm chí có tháng giảm. Tháng 1-2013, CPI tăng 1,25%, là mức tăng không quá cao khi đúng vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Ðến tháng 2, CPI tăng 1,32%, nhưng đây cũng là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của tháng 2 các năm trước đây. Sang tháng 3, CPI bất ngờ giảm 0,19%, là tháng 3 có chỉ số giá giảm kể từ sau năm 2009. Nhưng đến tháng 4 thì CPI lại tăng nhẹ với mức tăng 0,02%. Tiếp đó, tháng 5, CPI lại giảm 0,06% và tháng 6 vừa qua, CPI tăng trở lại với mức tăng 0,05%. So với tháng 12-2012, CPI tháng 6 chỉ tăng 2,4%, trong khi CPI tháng 6 các năm từ 2004 đến 2012 dao động trong khoảng 2,52% - 18,44%.

CPI thời gian qua tăng thấp được lý giải một phần do mặt bằng giá thế giới giảm, mặt khác, tổng cầu thấp, sức mua yếu trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc... đã gây áp lực giảm giá trong nước. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, sáu tháng qua, CPI mới chỉ tăng 2,4% nên dư địa để kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt mục tiêu cả năm 2013 khoảng 8% là khá lớn. Không những thế, diễn biến chỉ số giá trong sáu tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát năm nay thấp hơn năm 2012.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Thống kê Ðỗ Thức cho rằng, lạm phát cơ bản (loại trừ yếu tố lương thực, thực phẩm, năng lượng) trong sáu tháng qua vẫn còn ở mức cao, chưa kể nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6-2013 tăng 6,69%, CPI bình quân sáu tháng tăng tới 6,75%. Nguy cơ lạm phát cao trong sáu tháng cuối năm vẫn hiện hữu khi tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 20-6-2013 đã tăng khoảng 7,1% so với tháng

12-2012. Dư nợ tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ phải đạt mục tiêu tăng trưởng 12%... Ðây chính là những yếu tố có khả năng tác động gián tiếp làm tăng CPI trong thời gian tới.

"CPI sáu tháng đầu năm tăng thấp không thể khiến chúng ta chủ quan bởi CPI ở nước ta diễn biến thất thường, một khi lạm phát đã chớm tăng thì rất khó có thể kiểm soát", Vụ trưởng Gía cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Ðức Thắng nhìn nhận. Tháng 9-2012, CPI của cả nước đã bất ngờ tăng đột biến 2,2% do tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, học phí đồng loạt tại nhiều địa phương. 

Theo Vụ trưởng Nguyễn Ðức Thắng, tháng 9 năm nay cũng sẽ có một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể tăng học phí công lập và nếu tăng sẽ tác động làm tăng CPI. Song mức tăng khó có thể đột biến như năm trước bởi giá gốc đã cao. Bên cạnh đó, giá điện cũng có thể được điều chỉnh tăng giá trong những tháng tới. Rồi mùa mưa bão đến, có thể gây mất cân đối cung cầu lương thực, thực phẩm... tạo sức ép tăng giá nhóm hàng này, nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm, việc đưa ra các chính sách, giải pháp mới cần thận trọng, cân nhắc các mặt trái của chính sách để tránh nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.

Lạm phát thấp được coi là một trong những "thành quả" ổn định kinh tế vĩ mô trong bức tranh kinh tế sáu tháng qua. Mặc dù vậy, không ít ý kiến lo ngại cùng với lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cũng ở mức thấp. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm ước đạt 4,9%, bằng xấp xỉ mức tăng 4,93% của cùng kỳ năm trước. Tuy tốc độ tăng trưởng GDP không cao như mong đợi nhưng là mức tăng khá hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian dài. Tổng cục trưởng Ðỗ Thức nhận định, không nên quá nôn nóng về vấn đề tăng trưởng. Tăng trưởng hợp lý trong điều kiện đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát chính là cơ sở bảo đảm ổn định nền kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế dần hồi phục.

Cùng chung quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần tránh nóng vội tăng trưởng nhanh bằng cách lạm dụng yếu tố tiền tệ, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới lạm phát cao như đã từng xảy ra những năm trước đây. Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, cần nhanh chóng thực hiện những giải pháp trung và dài hạn, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Một nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, cơ chế phân bổ vốn lại không hợp lý, việc quản lý sử dụng vốn lại lỏng lẻo làm cho hiệu quả đầu tư thấp, sẽ dẫn tới kết cục tất yếu là lạm phát cao kéo dài, sức cầu thị trường suy giảm liên tục. Bên cạnh đó, cũng cần khai thác tốt các yếu tố tăng trưởng kinh tế, đó là huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài nguyên, chống tham nhũng, lãng phí, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, sử dụng tốt hơn nhân tố con người bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo... Ðịnh hướng chính sách cho mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn là phải xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hợp lý (chứ không phải đặt nặng mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước), phát triển ổn định, hiệu quả và cạnh tranh.

Theo Hải Thu

thunm

Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên