MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Trong 5 tháng đầu năm 2012 cả nước có số trẻ sinh ra là 274.171 bé trai/241.998 bé gái, tương đương với 113 bé trai/100 bé gái.

Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh;từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có dấu hiều được cải thiện.

Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia hoạch định chính sách phát triển cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Theo Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình, công bố ngày 1/4/2011, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất với tỷ số 109,7 bé trai/100 bé gái (thành thị là 115,6 và nông thôn là 107,4), trong khi đó tỷ số này khoảng 112 bé trai/100 bé gái ở lần sinh thứ 2 (thành thị là 110,2 và nông thôn là 112,6).

Số liệu này cho thấy, khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, trong khi đó việc lựa chọn giới tính khi sinh của khu vực nông thôn chỉ xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi.

Tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên khá cao (khoảng 120 bé trai/100 bé gái) đối với cả khu vực thành thị và nông thôn, điều này cho thấy để giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh cần phải có những chính sách tuyên truyên phù hợp ngay khi các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con đầu lòng, đặc biệt là khu vực thành thị và đặc biệt đối với các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên.

Cũng theo các số liệu điều tra, hầu hết phụ nữ có tâm lý muốn biết sớm giới tính thai nhi, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai. Trình độ học vấn của phụ nữ càng cao, khả năng họ biết giới tính thai nhi trước khi sinh càng lớn và hầu hết phụ nữ biết giới tính khi sinh bằng các phương pháp siêu âm.

Tỷ số giới tính khi sinh trong khoảng 104-106 bé trai/100 bé gái được coi là mức cân bằng, nằm ngoài khoảng trên thì được coi là mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhằm kiểm soát sự mất cân bằng giới tính khi sinh, hiện nay Bộ Y tế cũng đã tổ chức các chiến dịch truyền thông về vấn đề này; đưa chỉ tiêu Tỷ số giới tính khi sinh  đưa vào Điều tra biến động dân số hàng năm; đánh giá một số can thiệp trực tiếp vào giới tính thai nhi của Việt Nam giai đoạn 2008- 2010;

Cùng với đó Bộ Y tế cũng đã tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương mở rộng và triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở 43 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao từ 110/100 trở lên, tập trung vào 10 tỉnh trọng điểm có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước thay đổi các hành vi dẫn đến hiện tượng này theo hướng không lựa chọn giới tính thai nhi; giảm mạnh tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 bé trai/100 bé gái chậm nhất vào năm 2025.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ kiến nghị với Quốc hội thay đổi những quy định pháp luật theo hướng “chỉ cho phép phá thai có điều kiện” (vì lý do bệnh tật của người mẹ hoặc thai nhi) nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo Việt Hà

Chinhphu.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên