MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế toàn cầu “gập ghềnh phục hồi”, Việt Nam cần làm gì?

Để tạo bước ngoặt cho cuộc cải cách kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu "gập ghềnh phục hồi", Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khắc phục “bẫy thu nhập trung bình”...

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Kinh tế toàn cầu “gập ghềnh phục hồi”

Chia sẻ tại hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho DN” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22/9, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “gập ghềnh phục hồi”. Sự phục hồi này là khá chậm và còn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn như bất ổn về chính trị, biến động giá dầu, khủng hoảng thị trường tài chính…

“Có thể nói nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi, cần giảm thiểu rủi ro, giữ vững phục hồi nhưng cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, tạo sự cân bằng giữa “nhân tố sẵn có” và “nhân tố tài chính” – TS Thành cho hay.

Theo TS Thành, sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO (2007-2011), kinh tế Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng giảm tốc với sự bất ổn về kinh tế vĩ mô như thâm hụt ngân sách cao, nền kinh tế kém đàn hồi trước những cú sốc từ bên ngoài…

Trong giai đoạn từ 2012-2015, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Kinh tế vĩ mô dần được cải thiện, lạm phát thấp, cán cân thanh toán đạt mức thặng dư… Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rủi ro tiềm ẩn như thâm hụt ngân sách cao, nợ công tăng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng năm 2012 đạt 5,3%; năm 20143 đạt 5,4% và năm 2014 đạt 6% phần nhiều do đóng góp của sản xuất công nghiệp và khối FDI mang lại. Nông nghiệp vẫn tăng trưởng chậm, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn.

Cải cách thể chế kinh tế theo Nghị quyết 19 và cải thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với các cam kết hội nhập được xem là “chìa khóa” để lấy lại niềm tin của khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ các FTA?

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%/ năm; lạm phát khoảng 5%; tăng cường tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tín dụng.

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới để duy trì tốc độ tăng trưởng.

“Việt Nam là nước bé nhưng luôn thích chơi với những ông lớn. Chúng ta đã và đang đàm phán những hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU… Trong khu vực, chúng ta có hiệp định RCEP, AEC” – TS Thành chia sẻ.

Dựa trên đặc điểm ASEAN và Việt Nam đều là những nền kinh tế dựa vào tài nguyên, ông Thành cho rằng, Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu các ngành có lợi thế so sánh như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, thủy sản…

Bên cạnh đó, có thể phát triển mạnh các ngành hàng hóa tiêu dùng và phân phối như dược phẩm, du lịch, giải trí; phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần; tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như công nghiệp xanh, công nghệ thông tin và thương mại điện tử…

“Để tạo bước ngoặt cho cuộc cải cách kinh tế, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khắc phục “bẫy thu nhập trung bình”. Đồng thời, cần phải có động lực mới cho cải cách và chất lượng nguồn lực để phát triển; tận dụng tối đa cơ hội từ cải cách trong nước và hội nhập quốc tế” – TS Thành kết luận.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên