MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc giảm sút: Bình tĩnh ứng phó

Đầu năm 2016, nền kinh tế Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của nền kinh tế thế giới với những dấu hiệu đi xuống đáng lo ngại. Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc, do đó những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang được đặc biệt lưu tâm vì có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2015, giá trị NK từ Trung Quốc lên đến 49,3 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch NK và tăng 12,9% so với năm 2014. Trong khi đó về XK, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 4 về thị trường XK của Việt Nam với kim ngạch XK đạt 17 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2014.

Tâm điểm chú ý của nền kinh tế thế giới trong tuần đầu năm 2016 đổ dồn vào những diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Theo đó, ngay trong phiên giao dịch đầu năm ngày 4-1-2016 thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh và dừng giao dịch 15 phút. Đến ngày 7-1, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại ngừng giao dịch thêm 1 lần nữa chỉ sau 30 phút giao dịch. Sự bất ổn của thị trường tài chính và kinh tế Trung Quốc đã khiến một dòng tiền lớn tháo chạy khỏi nước này.

Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố ngày 7-1 cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 108 tỷ USD trong tháng 12, còn 3.330 tỷ USD. Mức dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến hết năm 2015 thấp hơn dự báo 3.420 tỷ USD mà các chuyên gia được Bloomberg khảo sát ý kiến trước đó dự báo, và tính cả năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm hơn 500 tỷ USD.

Những biến động của thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc đầu năm 2016 không phải trường hợp cá biệt, ngoài dự đoán mà nằm trong xu hướng vận động của cả nền kinh tế Trung Quốc đã diễn ra từ giữa năm 2015 đến nay và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Theo giới nghiên cứu, một trong các nguyên nhân sâu xa là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục theo chiều hướng giảm sút. Kinh tế nước này vừa trải qua một năm tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. Tăng trưởng quý IV và cả năm 2015 chỉ đạt lần lượt 6,8% và 6,9%. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Trung Quốc chỉ ở mức 6,5-6,7%. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc còn đang rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 1998 và tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc cũng đang tăng lên.

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là thị trường chứng khoán, ngoại hối, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã xây dựng một nghiên cứu đánh giá về tác động đến Việt Nam.

Theo các chuyên gia của BIDV, những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc thời gian qua mà sâu xa là vấn đề tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc giảm sút có tác động cả về mặt trực tiếp lẫn gián tiếp và cả tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

Điểm tích cực, hiện nay Trung Quốc đang đóng góp tỷ trọng rất lớn trong cầu thị trường hàng hóa trên thế giới. Do đó khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn, cầu hàng hóa trên thế giới sẽ giảm, từ đó tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại tệ Trung Quốc hiện nay có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam nhằm tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. Ngoài ra, theo nhận định của IMF, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng đi kèm với tái cơ cấu sẽ giúp gia tăng tính bền vững và chất lượng của tăng trưởng. Điều này sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát lạm phát ở những nước có NK lớn từ Trung Quốc như Việt Nam.

Lo cho xuất nhập khẩu?

Ở mặt tiêu cực, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trước hết có thể tác động đến thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng giảm XK của Việt Nam trong khi tăng NK từ Trung Quốc.

Xét về chiều XK của Việt Nam sang Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến cầu tiêu dùng của nước này, từ đó nhu cầu NK của Trung Quốc từ Việt Nam có thể giảm. Trong đó đặc biệt là nhu cầu NK dầu thô từ Việt Nam giảm sút có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia. Ngoài ra, trong khi tổng cầu suy yếu thì năng lực sản xuất của Trung Quốc đã và đang tiếp tục dư thừa, do đó Trung Quốc sẽ tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa trước hàng NK trong đó có hàng nhập từ Việt Nam.

Nghiên cứu của BIDV cho rằng: Những ngành XK chủ chốt của Việt Nam vào Trung Quốc như nông nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản và các loại nguyên liệu khác sẽ là những ngành bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc sẽ tìm cách để thúc đẩy hoạt động XK ra nước ngoài, điển hình là thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ. Theo đó đối với những quốc gia có cơ cấu hàng XK có tính tương đồng khá lớn với Trung Quốc như Việt Nam, hoạt động XK sang các thị trường khác sẽ gặp phải cạnh tranh nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

Mặt khác, khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp khuyến khích XK, nhất là phá giá đồng nhân dân tệ, NK nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và XK có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu.

“Những biến động từ nền kinh tế Trung Quốc đã và đang có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến Việt Nam, trong đó những tác động tiêu cực có phần nhiều hơn” – Trung tâm nghiên cứu BIDV đánh giá.

Trong báo cáo triển vọng 2016, Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng liên tục lưu ý đến yếu tố kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động đến kinh tế Việt Nam.

Dẫn một loạt các chỉ số cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm trong những tháng cuối năm 2015, VCBS cho rằng: Tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bộc lộ ngày một rõ nét lên nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của VCBS chỉ ra: Hàng hóa XK của Việt Nam, nhất là của các DN nội địa, đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc giảm giá mạnh đồng nội tệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn nên sẽ khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới. Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch XK vẫn đang có xu hướng tăng. Với tín hiệu khá rõ về sự giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc có thể “XK khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rủi ro từ phía Trung Quốc là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong năm 2016” – VCBS cảnh báo.

Còn các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định: Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang có được động lực tăng trưởng tốt, các cân đối vĩ mô ổn định và đặc biệt là năng lực điều hành, ứng phó với các biến động của Chính phủ đã được kiểm chứng. Do đó trong ngắn hạn, những tác động tiêu cực của Trung Quốc có thể chưa lớn, mặc dù vậy Việt Nam cần rất thận trọng đối với những tác động trong dài hạn.

Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Theo khuyến nghị của Trung tâm nghiên cứu BIDV, Chính phủ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đa dạng hóa thị trường hàng hóa XK cũng như NK của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (hiện vẫn đang chiếm tới 20% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam) thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo đúng lộ trình đã đề ra. Bám sát diễn biến tình hình thương mại song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc, đánh giá cụ thể về cơ cấu mặt hàng XNK để xem xét việc ban hành các văn bản hạn chế NK một số mặt hàng không thực sự thiết yếu từ thị trường Trung Quốc trong trường hợp tình hình nhập siêu có xu hướng nới rộng nhanh chóng.

Về dài hạn, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan ban ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… nhanh chóng đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến tăng trưởng bền vững. Đặc biệt là nâng cao khả năng chống đỡ trước những biến động từ bên ngoài với các yếu tố như chính sách tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, triển vọng của kinh tế Trung Quốc và khu vực các nước mới nổi…

Trái ngược với những lo ngại tác động của kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng: Tôi khẳng định Việt Nam không cần lo về XNK, bởi vì XK nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chưa được 2% tổng kim ngạch XK nông sản. Tỷ giá cũng không nên vội điều chỉnh. Nếu chỉ vì 2-3% XK nông sản sang Trung Quốc mà phá giá đồng tiền Việt Nam là không hợp lý. Nền kinh tế tiền tệ phải nhìn vào nền kinh tế thực để điều hành.

Không lo về XNK, nhưng vị chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc này lại trăn trở về dòng vốn FDI từ Trung Quốc – vốn được nhiều nhà nghiên cứu coi là cơ hội. TS Bùi Trinh lưu ý: “Điều cần lo là đề phòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu thu hút FDI vô tội vạ chỉ làm Trung Quốc có lợi. Khi Việt Nam tham gia TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN, đầu tư của Trung Quốc vào sẽ càng nhiều nữa. Nếu chấp nhận chỉ làm công, làm thuê thì đó là cơ hội. Còn nhìn nhận về giá trị mang lại cho nền kinh tế, đây có phải là cơ hội hay không cần phải cân nhắc”.

Theo Lương Bằng

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên