MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng Tân Thủ tướng giải quyết tận gốc rễ nạn tham nhũng

Đề xuất Tân Thủ tướng cần có lời tuyên thệ riêng về chống tham nhũng song nhiều đại biểu cho rằng cần có những hành động thiết thực của Thủ tướng hơn chỉ là lời nói.

Chiều ngày 6/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đọc Tờ trình bầu Thủ tướng. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thường trực đã được Trung ương giới thiệu vào chức danh Thủ tướng Chính phủ.

Đảm nhiệm vai trò Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới, giai đoạn 2016 – 2020 được đánh giá là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với người đứng đầu Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ. Trong bối cảnh cân đối thu chi ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, những vấn đề về bảo vệ chủ quyền, phòng chống tham nhũng… luôn được các đại biểu hết sức quan tâm và kỳ vọng vào Thủ tướng mới, sẽ có những đột phá trong điều hành.

Cho rằng Tân Thủ tướng cũng như Chính phủ sẽ kế thừa tích cực những thành quả trong nhiệm kỳ tới, song đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho rằng hai vấn đề cần được giải quyết tận gốc rễ đó là nội xâm (PV-tức là phòng chống tham nhũng) và ngoại xâm, thì đất nước mới phát triển bền vững được.

Nói về người được Trung ương giới thiệu vào chức danh Tân Thủ tướng mới, Đại biểu Quốc đánh giá: “Ông là người hoạt động trong cơ quan hành pháp khá lâu. Nhiệm kỳ vừa rồi ông là người trợ thủ, người thực hiện thực thi công việc, thực tiễn chỉ đạo nhiều công việc. Song chắc chắn cương vị Thủ tướng thì vai trò rất lớn đòi hỏi yêu cầu cao. Ta chỉ hy vọng thôi, cờ chưa đến tay thì làm sao phất được”.

Nói về đề xuất của một số đại biểu quốc hội Tân Thủ tướng cần có lời tuyên thệ phòng chống tham nhũng trong Lễ nhậm chức, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng việc Tân Thủ tướng có tuyên thệ hay không, đó là suy nghĩ và trách nhiệm của Thủ tướng.

“Không phải trong lời tuyên thệ có nhắc tới phòng chống tham nhũng thì Tân Thủ tướng mới quan tâm tới phòng chống tham nhũng. Vấn đề là làm sao lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ mới thể hiện trách nhiệm trước dân, trước đất nước” – Đại biểu Học nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, lời tuyên thệ của Tân Thủ tướng phải thể hiện được quyết tâm để người dân, cử tri tin tưởng là Thủ tướng sẽ làm hết lòng hết sức vì dân. Điều đó thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ mới trước nhân dân, thì đó mới là điều mà các địa biểu và cử tri cả nước chờ đợi.

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc cũng cho rằng vấn đề là ý chí và thành quả của người thực hiện. Bởi việc chống tham nhũng, Quốc hội có vai trò cực kỳ quan trọng trong giám sát và xây dựng hệ thống luật pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, cũng là nơi dễ xảy ra tham nhũng nhất do điều hành công việc cụ thể, nên việc chống tham nhũng là ý chí chung.

“Có đưa vào lời tuyên thệ hay không thì để cho Tân Thủ tướng cân nhắc, tránh lời tuyên thệ chỉ là hình thức” – Đại biểu Quốc khuyến nghị.

Còn theo Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), việc bầu ra Tân Thủ tướng mới cũng như các thành viên trong Ban điều hành Chính phủ trong thời gian tới, đặt trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, sẽ là thách thức lớn nhưng cũng có nhiều kỳ vọng. Bởi bên cạnh thuận lợi còn có khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; tình hình nợ công tăng cao, thu chi ngân sách bội chi, trả nợ nước ngoài rất lớn, DN chịu áp lực hội nhập.

“Hàng loạt các thách thức đặt ra cho các đồng chí cấp cao trong thời gian tới. Song tôi tin tưởng với lời tuyên thệ sâu sắc và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân thì việc toàn tâm toàn ý, các đồng chí sẽ vượt qua khó khăn. Kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ khóa mới sẽ có đột phá mạnh mẽ hơn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên