MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát được đẩy lùi khuyến khích tăng trưởng

“Những chính sách tiền tệ và tài chính sẽ dần được chuyển từ tăng trưởng kiềm chế sang định hướng tăng trưởng cùng với cải thiện vĩ mô”.

Đó là nhận định của ông Lawrence Wolfe, giám đốc phát triển kinh doanh của Nhóm CTCK Đông Á (DAS) và Quản lý quỹ Đông Á (DAC) về những chính sách tiền tệ và tài chính trong thời gian tới.

Lạm phát được đẩy lùi

Đánh giá về kinh tế thế giới trong thời gian tới, ông Lawrence Wolfe, giám đốc phát triển kinh doanh CTCK Đông Á cho rằng tuy các chỉ số toàn cầu có thể đã chạm đáy nhưng phải mất thời gian để gói kích thích tăng trưởng phát huy tác dụng. Vì thế, suy thoái sẽ tiếp tục cho đến hết 6 tháng đầu năm 2009.

“Tình hình là xấu, nhưng không tồi tệ như cuộc “đại suy thoái” như nhiều người đã dự báo. Chính quyền các nước lớn trên thế giới đã chứng minh rõ ràng sức mạnh và các nguồn lực sẵn sàng để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm vượt qua sự sụt giảm”, ông Lawrence  nhận xét.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính đang trong suy thoái, các thị trường “đang nổi” không thể thoát khỏi hệ quả. Tuy nhiên, dựa vào dân số đông và tiêu dùng trong nước khổng lồ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng 8-9% và 6-7%. Phần còn lại của châu Á trong đó có Việt Nam sẽ còn có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng đáng nể trung bình 5-6%, nhận định trên được dẫn nguồn từ IMF, HSBC và Deutsche.

Do nhu cầu giảm sút, giá dầu giảm dưới 70 USD/thùng và vẫn còn xu hướng xuống, nỗi lo lạm phát đã qua đi bởi vì giá tất cả hàng hóa đều có xu hướng giảm. Các loại hàng hóa cứng và mềm đang trong chiều hướng giảm. Các chỉ số thống kê cho thấy giá những hàng hóa như dầu thô, gạo, cà phê, cao su đã giảm khoảng 50% từ đỉnh cao nhất.

Với sự tăng trưởng chậm lại và giá hàng hóa giảm, lạm phát sẽ được cắt giảm gần phân nửa so với thời điểm trước khủng hoảng năm 2008 tại các quốc gia trên toàn cầu.

Cho phép lãi suất giảm hơn nữa

Dựa trên những báo cáo phân tích từ Deutshe và EIU, ông Lawrence Wolfe cho rằng: “CPI sẽ bị cắt giảm phân nửa trong năm 2009 xuống mức 13-15%, cho phép lãi suất giảm hơn nữa. GDP của VN tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở mức 5-6% dựa trên nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa”.

Các nhà xuất khẩu hàng hóa hưởng lợi trong năm 2008 do giá tăng nhưng sẽ bị tổn thương bởi giá giảm (dầu thô, than đá, gạo, cao su, cà phê) khi khối lượng xuất khẩu giảm.

Thâm hụt thương mại có thể vẫn còn trong khoản 19 tỷ USD. Tuy nhiên dòng vốn FDI và FII chắc chắn sẽ giảm vì kỳ vọng lợi nhuận thấp hơn trên những dự án, sự thiếu hụt tiền mặt và độ ngại rủi ro của các nhà đầu tư.

Là một người có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, ông Lawrence Wolfe  đánh giá: “Tỷ giá VND sẽ vẫn ổn định tương đối hoặc mất giá nhẹ từ 16.800-17.500”.

Theo ông, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực. Những chính sách tiền tệ và tài chính sẽ dần được chuyển từ tăng trưởng kiềm chế sang định hướng tăng trưởng cùng với cải thiện vĩ mô. Lãi suất thấp hơn và khả năng tín dụng cải thiện sẽ giúp hầu hết các ngành công nghiệp và khuyến khích tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2009 bởi mức lãi biên thu hẹp, chi phí cao hơn và các khoản nợ xấu. Tuy nhiên ngành công nghiệp này vẫn quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Còn các ngành công nghiệp bất động sản, xây lắp và vật liệu xây dựng có thể vẫn ở mức thấp trong suốt năm 2009.

Huỳnh Duy

duylinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên