MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát năm 2012: Sau niềm vui là nỗi lo

CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm 2012 có mức biến động nhiều, khác xu hướng so với năm trước.Tỷ lệ lạm phát 2012 đạt mức thấp 6,81% được các chuyên gia đánh giá như“tấm huy chương”với cả niềm vui và nỗi lo âu

Vui với năm 2012

Chia sẻ rằng, Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 thấp hơn mức chỉ tiêu kế hoạch 7% mà Quốc hội đề ra, TS. Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết chỉ tiêu CPI cả năm nay chỉ tăng 6,81% và tăng 9,21% so với bình quân 12 tháng năm 2011.

Tuy nhiên, đánh giá về chỉ số này, TS. Thức cho hay, năm 2012 là năm ghi nhận nhiều biến động bất thường. CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1,0% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2) nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm.

Chính vì thế, CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm nay có mức biến động nhiều và khác xu hướng so với năm trước. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (lương thực tăng3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, CPI bình quân chung tăng 9,21%), trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung (lương thực tăng 22,82%, thực phẩm tăng 29,34%, CPI bình quân chung tăng 18,58%).

Riêng nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Trong hai năm qua, chỉ số giá nhóm giáo dục vẫn duy trì mức tăng cao (năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%) và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm (năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%).

Một điểm bất thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm 2012, theo Tổng cục Thống kê, là năm nay, CPI không giảm vào sau Tết nguyên đán, mà lại giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và tháng 7).

Nhận định về con số lạm phát 6,81% năm 2012, TS. Nguyễn Thạc Hoát (Học viện Chính sách phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cảnh báo, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn, tổng cầu suy giảm quá mức sẽ gây những khó khăn cho kinh tế vĩ mô.

“Nhà nước phải trả giá bằng việc giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá và kiểm soát giá theo Chỉ thị 25/2012/CT-TTg ngày 26/9/2012 và chưa hỗ trợ cải thiện được thực trạng tổng cầu nền kinh tế giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn, thất nghiệp tăng”, TS. Hoát lý giải.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát thấp nhưng lo nhiều hơn mừng, bởi giá giảm không phải vì năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng mà do sức mua suy kiệt.

Theo các nhà nghiên cứu, lạm phát ở Việt Nam là do sự tác động tổ hợp của cả ba dạng thức, gồm lạm phát tiền tệ (dạng thức chủ yếu), lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy. Cụ thể, lạm phát tiền tệ là dạng thức lạm phát lộ diện khá rõ như việc tung khối lượng tiền lớn vào lưu thông.

Lạm phát cầu kéo do đầu tư bao gồm đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp tăng, làm nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị công nghệ tăng. Biểu hiện rõ nhất của lạm phát cầu kéo là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tăng, làm giá xuất khẩu tăng kéo theo cầu về lương thực trong nước cho xuất khẩu tăng, trong khi đó, nguồn cung trong nước không thể tăng kịp.

Lạm phát chi phí đẩy biểu hiện ở giá nguyên liệu, nhiên liệu trên thế giới tăng mạnh, đẩy hàng loạt mặt hàng khác tăng theo. Trong điều kiện kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu thì việc giá nguyên liệu nhập tăng làm giá thị trường trong nước biến động theo.

Lo cho năm 2013

Nhìn nhận năm 2012, Việt Nam có thuận lợi ở cả 3 dạng thức lạm phát nêu trên khi giá nguyên, nhiên liệu thế giới ổn định (lạm phát chi phí đẩy); đầu tư công thắt chặt (nhất là việc bất động sản đóng băng, doanh nghiệp đình trệ) và thắt chặt tiền tệ (lạm phát tiền tệ).

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, năm 2013 và các năm tiếp theo, nếu các dạng thức trên có biến động, nhất là đầu tư công nới lỏng và đến thời điểm nào đó bất động sản “tan băng” thì ngay lập tức lạm phát lại có thể… nóng.

Điều này càng đáng lo khi xu hướng lạm phát 2011-2012 là sự lặp lại vòng xoáy lạm phát từ 2004-2007 theo chu kỳ 3 năm một lần: 2 năm tăng vọt lên và 1 năm giảm xuống sâu đột ngột.

“Điều này cho thấy, kết quả kiểm soát lạm phát chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và chưa vững chắc, các yếu tố gây nên lạm phát cao chưa giải quyết được gốc rễ. Đặc biệt, các nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, gây áp lực tạo nên lạm phát cao của nước ta vẫn còn nguyên”, TS. Hoát cảnh báo.

Đó là những yếu tốt gây nên áp lực lạm phát chi phí đẩy của nền kinh tế như: xu thế giá cả hàng hóa thế giới ngày càng tăng cao với một nền kinh tế có tỷ lệ nhập khẩu/GDP cao hơn 80%; sự tăng lên của chi phí sản xuất do cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, quản lý kém hiệu quả và yêu cầu phải điều chỉnh tăng tiền lương; sự tăng giá của các mặt hàng chủ chốt và dịch vụ thiết yếu do quá trình điều chỉnh giá bao cấp sang giá thị trường của các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý và kiểm soát giá.

“Như vậy, thách thức lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2013 và những năm tới là từ các yếu tố gây nên lạm phát chi phí đẩy chứ không phải nguy cơ từ các yếu tố cầu kéo và các nguyên nhân khác”, TS. Hoát chỉ ra.

Đưa ra những dự báo cho năm 2013, bà Ngô Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, CPI năm 2013 rất có thể sẽ tăng cao. Điều này cũng được nhìn nhận bởi đến năm 2013, nhiều mặt hàng sẽ trong lộ trình điều chỉnh giá; trong đó đáng chú ý nhất có khoảng trên 30 tỉnh, thành sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Đây sẽ là nhân tố đóng góp lớn vào tăng CPI.

Theo đó, CPI năm 2013 có thể tăng xoanh quanh mức 8% nhưng với điều kiện Chính phủ phải nỗ lực hết sức trong chỉ đạo điều hành, bà Dương nhấn mạnh.

Năm 2013, kiềm chế lạm phát tiếp tục là mục tiêu được ưu tiên của Chính phủ. Song về lâu dài, cần nhìn nhận vấn đề một cách căn cơ để việc kiềm chế lạm phát mang tính ổn định và không phụ thuộc các yếu tố chủ quan.

Trí An

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên