MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo DNNN phải từ chức nếu cổ phần hóa trì trệ

Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”

Hưởng ưu đãi đặc biệt, độc quyền tự nhiên nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao nên DNNN đã mất lòng tin của người dân. Để khắc phục thực trạng này, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm cổ phần hóa bằng việc sẵn sàng “trảm” tướng ở các Tập đoàn, TCT nếu tiến trình này trì trệ.

Trong Thông điệp đầu năm và trong các hội nghị của các Bộ, ngành có quản lý các tập đoàn, tổng công ty, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh nhiệm vụ tái cơ cấu các DNNN cần phải thực hiện quyết liệt trong năm 2014.

Thua lỗ, thất thoát phải bị miễn nhiệm, cách chức

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. “Nếu cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”.

Đồng ý với chủ trương đẩy mạnh CPH, sắp xếp các DNNN, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng cho biết: Trong năm nay, sẽ hoàn thành cơ bản tái cơ cấu DNNN. 11 DN lớn do Bộ GTVT quản lý, trong đó có Tổng công ty hàng không sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2014, và niêm yết trên thị trường chứng khoán để bảo đảm mọi hoạt động của DN phải công khai, minh bạch.

Mệnh lệnh “thép” được Tư lệnh ngành GTVT đưa ra để thể hiện quyết tâm này là “Tất cả các đơn vị thuộc diện cổ phần hóa mà không làm thì Chủ tịch, Tổng giám đốc đi nơi khác”.

Ông Thăng cũng cho rằng, việc DN phá sản, đổ vỡ là chuyện rất bình thường khi tái cơ cấu doanh nghiệp. Bởi nếu tái cơ cấu mà không có bước chuyển nào, không có sự thay đổi nào thì không có ý nghĩa gì.

Ở góc độ của người nghiên cứu, TS Nguyễn Đình Cung (Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương-CIEM) khẳng định: “Cầnbãi nhiệm, cách chức lãnh đạo doanh nghiệp nếu để xảy ra thua lỗ, thất thoát bất kể do nguyên nhân gì”.

Đúng là chuyện cách chức, bãi miễn chức vụ lãnh đạo DNNN gây thất thoát, thua lỗ thời gian qua còn là hiếm. Và đặc biệt, công cuộc cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm như vậy cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm. Chính phủ thừa nhận, thời gian qua, việc CPH các DNNN diễn ra khá chậm chạp. Theo cảm nhận của ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thì trong mấy năm chỉ cổ phần hóa được vài DN thì “gần như là không làm gì”.

Là người nắm rõ thực trạng công tác cổ phần hóa DNNN, ông ĐặngQuyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính)cho rằng: “Thủ tướng nhắc đi nhắc lại về trách nhiệm người đứng đầu. Đến nay, thể chế của Chính phủ xong rồi, lộ trình cũng đã xong, chỉ còn tổ chức thực hiện. Đây là khâu quyết định. Thành công lớn nhất là người đứng đầu quyết tâm làm”.

Cũng theo nhận xét của ông Đặng Quyết Tiến, Thủ tướng đã nêu quyết tâm và mọi điều kiện như thị trường, thể chế cũng đã cơ bản hoàn thiện. Các thể chế đó đều trao hết quyền cho các Bộ trưởng, bộ quản lý ngành. Như vậy đã đủ “cây gậy” để thực thi. Còn trong quá trình thực hiện, mỗi đề án, mỗi DN có đặc thù riêng, có thể khó. “Nếu khó thì có thể ngồi lại, phối hợp với nhau để xử lý. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp để hỗ trợ” – ông Tiến cho hay.

Càng để lâu càng thua lỗ

Theo các báo cáo của Chính phủ, nợ và nợ xấu của các khối doanh nghiệp DNNN ngày một phình to. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các DN này ngày càng trở nên cấp bách.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ kinh tế, TCT nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý DNNN. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN. Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước để các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015...

Cùng với đó, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính; Thứ tư, thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN.

„Với đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng các DNNN sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đề án Tái cơ cấu các DNNN mà trọng tâm là các TĐ, TCT Nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Tài chính nói.

Tuy nhiên, giữa nói và làm là một khoảng cách rất xa. Để các DNNN thực sự đi vào quỹ đạo, hoạt động có hiệu quả thì còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết về vấn đề quản lý, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ quan điểm của Bộ tài chính cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

“Quan điểm của tôi là luật này quản lý toàn bộ dòng vốn của Nhà nước hoặc nguồn ngân sách Nhà nước không phân biệt đó là ai, nếu sử dụng là bị chi phối” – ông Lịch nói.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng đề án tái cơ cấu, sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tự triển khai, trong khi hoạt động kiểm tra, giám sát đang bộc lộ nhiều hạn chế, sẽ không hiệu quả. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nhà nước không ai dại gì “lấy đá ghè chân mình”, nên đương nhiên họ sẽ xây dựng các đề án tái cơ cấu theo kiểu hình thức, chiếu lệ, mà không đi vào những vấn đề có tính sống còn như: nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước, cắt giảm đầu tư dàn trải, cải thiện chất lượng quản trị...

Việc cổ phần hóa, bán các khoản nợ xấu của DNNN cũng đang gây nhiều tranh cãi, dù Chính phủ đã có Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm khiến người thực hiện băn khoăn.

Đây là vốn của dân thì phải bảo toàn, trừ những trường hợp mình không bảo toàn được. Việc bán vốn phải tuân theo các qui định, qui trình đã hướng dẫn. Vì lãnh đạo ở đây chỉ là đại diện cho vốn của nhà nước thì việc quyết định bán dưới vốn đó phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Chủ sở hữu ở đây là thay mặt cho dân. Một yêu cầu nữa là phải làm đúng theo qui định thời gian, vì càng để lâu càng nguy hiểm, càng mất vốn” – ông Tiến nói.

Khi DNNN minh bạch và công khai thì nhà đầu tư sẽ cân nhắc giá cả mua bán như thế nào, nếu họ thấy hiệu quả thì sẵn sàng bỏ vốn. “Ở đây phải trả lại cho thị trường để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Nếu bỏ vốn mà người ta tiếp tục thua lỗ thì người ta lại càng nguy hại hơn, làm mất lòng tin của nhà đầu tư.

Ông Tiến cũng cho rằng, quyết tâm cổ phần hóa và những qui định nghiêm ngặt là sức ép mang tính tích cực để các DN lành mạnh hóa tình hình tài chính của mình. Các qui trình, thể chế lần này đã hoàn thiện, DN phải cập nhật thì mới làm đúng qui định và giảm bớt rủi ro cho mình

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên