MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo doanh nghiệp về hưu vẫn nhận lương “khủng”, lỗi tại cơ chế?

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có chia sẻ với báo chí chuyện cựu lãnh đạo Công ty Bia Huế (Huda) lĩnh lương hưu "khủng".

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, việc hưởng mức lương hưu cao (tới 800 triệu đồng/năm) là do mức đóng bảo hiểm của ông Nguyễn Minh theo quy định pháp luật. Ông Nguyễn Minh là người được hưởng lương hưu từ trước 2006 - thời điểm luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực cho nên tính là 75% lương tháng trung bình của những năm cuối làm việc.

“Do mức đóng của ông Minh rất cao nên đương nhiên mức lương hưu ông nhận được phải cao. Việc ông Minh được hưởng lương như vậy rõ ràng rất chính đáng, bản thân tôi cũng thấy mừng cho ông Minh.” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Tuy nhiên, cũng qua trường hợp này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Chính sách pháp luật của chúng ta về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tỷ lệ đóng - hưởng ảnh hưởng đến sự cân bằng của quỹ lương hưu trong tương lai, bởi chúng ta đang tiến đến mục tiêu mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm để đảm bảo an sinh cho mọi người, sau nữa là phải cân bằng mức đóng – hưởng (đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thẩp)”.
 
Ông Bùi Sỹ Lợi trần tình: “Tôi dẫn trường hợp của bác Minh ra để có ví dụ so sánh, vì sao luật 2006 thì lương của khu vực tư nhân đã tính bình quân của cả quá trình đóng bảo hiểm nhưng lương của khu vực công lại tính theo lương trung bình của 5 năm, 6 năm, 7 năm và 10 năm làm việc sau cùng? Điều đó dẫn đến mất cân bằng quỹ.”
 
Việc dẫn chứng trường hợp của vị nguyên lãnh đạo Huda, theo ông Lợi chỉ để dẫn chứng cho việc cần thiết lập lại trật tự công bằng của chính sách pháp luật của chúng ta để làm sao đảm bảo được yêu cầu cân bằng quỹ.  

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng khẳng định, lập luận của ông Nguyễn Minh về việc hưởng lương hưu cao là rất chính xác. 
 
“Bác Minh nói rất đúng về việc lương hưu của mình được tăng dần sau khi nghỉ hưu. Ban đầu nghỉ, lương của bác không đạt được mức 65 triệu đồng/tháng nhưng suốt từ 2006 đến 2014 chúng ta có 7 lần điều chỉnh tiền lương cơ sở. Cùng với việc chỉnh tiền lương cơ sở cho khu vực công chức, người về hưu cũng được điều chỉnh tương xứng với mức đó. Như vậy thì chính sách tính tiền lương chưa tương xứng với nguyên tắc đóng – hưởng chứ không phải do bác Minh làm gì mà lương vọt lên cao như vậy.” – ông Bùi Sĩ Lợi giải thích.
  
“Vì có bất cập như vậy nên phải có chính sách khống chế hưởng theo mức đóng nhưng không được quá 20 lần mức lương tối thiểu, vì tiền lương hưu là để đảm bảo bù đắp chi phí do mất sức lao động khi về già chứ không phải để làm giàu. Chúng ta chỉ nhìn về trường hợp này để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho hợp lý hơn thôi” – ông Bùi Sĩ Lợi giải thích thêm.

>>> Lương hưu tính theo cách nào để đảm bảo công bằng đóng - hưởng?


Theo Vũ Hạnh

huongtt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên