MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lào Cai bất ngờ giật ngôi đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2011

Khác biệt ấn tượng nhất giữa PCI năm 2011 và các năm trước là sự thăng hạng và sụt hạng đột biến của các địa phương trong bảng xếp hạng.

Sáng ngày 23/2/2012 đã diễn ra Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 với chủ đề chính là "Chất lượng điều hành kinh tế đóng vai trò quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng và thịnh vượng".

Lào Cai đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2011

Theo kết quả công bố chỉ số PCI, 2 tỉnh ở khu vực phía bắc là Lào Cai và Bắc Ninh cùng với tỉnh Long An ở phía Nam đã lần đầu tiên vươn lên đầu bảng xếp hạng. Các tỉnh này đã có những cải thiện đáng kể trong công tác điều hành kinh tế địa phương, nhờ đó mà điểm số PCI của các tỉnh này đã tăng đều đặn qua các năm. Hai tỉnh khác cũng có thành tích nổi bật là Hà Tĩnh và Bình Phước, bất ngờ lọt vào Top 10 trong năm nay.

Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không đứng ở thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số của Đà Nẵng sụt giảm mạnh nhất trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Vị trí xếp hạng của Vĩnh Long và Bình Định, 2 tỉnh luôn đứng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu và là điển hình cải cách mà nhóm nghiên cứu PCI thường nhắc tới đã giảm mạnh. Vĩnh Long đã sụt hạng mạnh từ thứ hạng 9 của năm 2010 xuống vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng năm nay. Trong khi đó, Bình Định cũng đứng ở vị trí thứ 38 với sự sụt giảm mạnh trong tính năng động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.


Thành phố Hà Nội tuy thăng được 7 bậc (từ 43 lên 36) nhưng vẫn đứng trong nhóm Khá năm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, TPHCM chuyển thứ hạng từ 23 lên 20 và được xếp trở lại vào nhóm Tốt.

Điểm số tăng ở các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng và giảm điểm ở các tỉnh đầu bảng xếp hạng đã thu hẹp biến động của chỉ số PCI. Khoảng cách chênh lệch điểm số đã giảm và các tỉnh nhóm dưới cải cách nhanh hơn các tỉnh dẫn đầu. Quan sát cho thấy, các tỉnh ở cuối bảng xếp hạng đang áp dụng thực tiễn tốt của các tỉnh dẫn đầu và dần cải thiện môi trương kinh doanh của mình. 

Năm 2011, các doanh nghiệp kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng

Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều kém lạc quan hơn nhiều về triển vọng so với những năm trước. Qua các năm, mức độ lạc quan của doanh nghiệp được đo bằng tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hay không. 

Năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, 76% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô kinh doanh, tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 47,4% trong năm 2011. 

Mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân, loại hình có quy mô nhỏ nhất, bị giảm mạnh vì đây là nhóm chịu nhiều tác động khi giá đầu vào gia tăng và tiếp cận tín dụng khó khăn hơn. Theo khảo sát của PCI, doanh nghiệp tư nhân ít có cơ hội tiếp cận tín dụng của ngân hàng thương mại hơn so với công ty TNHH và công ty cổ phần.

Công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện trong năm 2011

Dù kém lạc quan về triển vọng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền địa phương. Chỉ số PCI có trọng số năm 2011 ở tỉnh trung vị là 59,15 điểm, đạt số điểm cao nhất kể từ khi chỉ số PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009 và cao hơn gần 1 điểm so với năm 2009 và năm 2010.

Theo đánh giá, nhìn chung công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện trong năm 2011. Điểm số cải thiện phản ánh thực tế là hầu hết các tỉnh tiếp tục cam kết cải cách công tác điều hành kinh tế của địa phương mình. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cảm nhận tích cực của các doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế có thể xem là một điểm sáng trong báo cáo PCI năm nay. Chúng tôi kỳ vọng rằng từ thông điệp quan trọng này của cộng đồng kinh doanh, Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực điều hành cần cải thiện trong lĩnh vực đất đai, tính năng động của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cho rằng giá đền bù giải phóng mặt bằng hiện chưa phù hợp với giá thực tế trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đánh giá tính năng động giảm và thái độ của lãnh đạo chính quyền tỉnh với doanh nghiệp tư nhân ít tích cực hơn và bày tỏ sự không hài lòng và hạn chế sử dụng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại tỉnh do chất lượng kém.

Phương Dung

dungdp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên