MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động dệt may: Vướng từ "sợi chỉ" đầu tiên

Đi sâu tìm hiểu cho thấy nhóm DN có khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt thời gian qua đều là những DN có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tốt.

Hiện Việt Nam có 5.982 doanh nghiệp (DN) dệt may với lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng và tay nghề tốt. Đây là ngành XK mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp 8% vào GDP. Thế nhưng, sự mất cân đối trong quy hoạch đang khiến cho sức cạnh tranh của ngành này ngày một yếu đi.

Nhìn vào thực trạng ngành dệt may hiện nay có thể thấy sự phân bố không đồng đều giữa các tỉnh thành, giữa các vùng miền. Tại miền Bắc, số DN dệt may chiếm 30% số DN toàn ngành, trong đó, mật độ tập trung tại Hà Nội lên tới 12%.

Sức cạnh tranh ngày càng yếu

Các DN tập trung tại miền Nam chiếm 62%, nhưng Tp.HCM áp đảo với tỷ lệ 50,9%. Như vậy, miền Trung chỉ có vỏn vẹn 8% số DN dệt may trong cả nước. Mật độ tập trung quá cao sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN dệt may với các ngành công nghiệp khác. Đó là chưa kể các DN dệt may phải cạnh tranh với nhau về đơn hàng, lao động, tiền lương.

Các DN dệt may thường xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động vì trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển ngành dệt may quá nhanh do chưa có kế hoạch định hướng. Nhiều DN dệt may ra đời một cách tự phát, khiến nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao, trong khi số lao động đào tạo từ các địa phương không đáp ứng kịp nhu cầu DN.

Với tư cách là lãnh đạo một DN may với 10 công ty thành viên và trên 11.000 lao động, ông Nguyễn Xuân Dương - Ủy viên BCH Hiệp hội Dệt may, TGĐ Công ty May Hưng Yên, thừa nhận nhóm nhân lực quản lý trung, cao cấp trong ngành may Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là chắp vá, thiếu tính kế thừa và chuyên nghiệp. Nguồn lao động tham gia làm việc trong ngành dệt may là rất lớn. Nhưng số lao động được đào tạo từ hệ trung cấp nghề, cao đẳng đến đại học không vượt quá 15%. Còn lại hầu hết là do các DN tự đào tạo hoặc các trung tâm dạy nghề địa phương đảm nhiệm khâu đào tạo sơ cấp.

Thực tế vừa qua, ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng chủ yếu là nhờ hàng loạt DN may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mở rộng, tăng thêm năng lực sản xuất, còn vấn đề tăng năng suất lao động hoặc cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm thì mới chỉ xuất hiện ở một số DN biết "đi tắt, đón đầu".

"Trong hơn 10 năm qua, đã có trên 50% DN dệt may có sự tăng trưởng cả về lượng và chất, còn lại không ít DN vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí đã có hàng nghìn DN dệt may bị giải thể hoặc phá sản", ông Dương nói.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigos Search, cho rằng điểm mạnh về nguồn nhân lực Việt Nam là

dân số trẻ, ham học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh và có chí tiến thủ. Đây là những điểm mạnh nổi trội theo đánh giá của các DN. Tuy nhiên, nguồn lao động Việt Nam lại có những điểm yếu là thiếu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, ngoại ngữ yếu, thiếu thợ lành nghề và độ chuyên nghiệp chưa cao.

Còn quá nhiều rào cản

Đi sâu tìm hiểu cho thấy nhóm DN có khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt thời gian qua đều là những DN có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tốt. Họ có chiến lược đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực dài hạn và đúng hướng, xác định đúng chương trình mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho từng giai đoạn phát triển của thị trường và DN.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - người sáng lập thương hiệu thời trang Chuồn Chuồn Ớt: "Có thể với không ít người, nhất là các nhà thiết kế, cho rằng thị trường Việt Nam khởi sắc, nhưng ở góc độ thị trường, tôi cho rằng thị trường thời trang Việt Nam đang dậm chân tại chỗ, nếu không nói là thụt lùi. Tình hình chung có thể là do thị trường kém bởi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nhưng cái chính là do bản thân nội tại ngành thời trang chúng ta tồn tại quá nhiều rào cản".

Bà Sương phân tích: Thứ nhất, tầm nhìn vĩ mô của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều thiển cận. Không có chính sách bảo hộ thương hiệu thời trang Việt khiến hàng lậu Trung Quốc không thuế tràn lan, các nhãn hiệu nước ngoài vào ồ ạt, đa dạng về mẫu mã lẫn sức mạnh tài chính đặt các DN thời trang Việt Nam vào thế "trứng chọi đá" ngay trên "sân nhà".

Thứ hai là câu chuyện giáo dục. Hàng năm, các trường cung cấp hàng trăm nhà thiết kế, nhưng thử hỏi lực lượng ấy đóng góp gì cho ngành thời trang: một sự khủng hoảng thừa nhưng là "thừa mứa" những "thợ vẽ thời trang". Các nhà thiết kế Việt Nam dường như quên rằng một thiết kế tuyệt vời là một thiết kế được bán chạy nhất. Trên thực tế, do thiếu sự quan tâm đúng mức, nên có không ít nhà thiết kế trẻ tâm huyết với nghề từng bị thị trường "đập" cho tơi tả.

Theo Việt Nguyễn

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên