MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập Ban quản lý và khai thác cảng biển để tạo đột phá

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, chính quyền địa phương cấp phép quá nhiều bến cảng, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Hôm qua (18/8), Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 40 cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự tiếp thu sửa đổi của Ban soạn thảo, trong đó nội dung lập Ban quản lý và khai thác cảng được nhận định là đột phá.

Nhiều điểm mới, có tính đột phá

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số vấn đề lớn của Dự thảo Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.

So với dự thảo luật lần đầu được trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá Dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến và có những cải tiến đáng ghi nhận, đó cũng chính là nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT cũng như của Ủy ban Pháp luật. Toàn bộ 13 nội dung trong Bộ luật được đem ra xin ý kiến lần này đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, duy chỉ có nội dung Ban quản lý và khai thác cảng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh: “So với dự thảo lần đầu tiên được trình ra, dự thảo lần này đã có một bước tiến lớn, các nội dung trong luật được quy định tương đối hoàn chỉnh”.

Tiếp tục đóng góp ý kiến về nội dung được đặc biệt quan tâm trong dự thảo luật lần này là Ban quản lý và khai thác cảng, ông Hiền cho biết rất ủng hộ.

“Trên thực tế, các nước đã tổ chức mô hình này và thực hiện rất có hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, xem có sự chồng chéo hay không, vì nếu chồng chéo, khó có thể thực hiện quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương” - Ông Hiền nêu quan điểm.

Cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ của Ban soạn thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ban quản lý và khai thác cảng chính là điểm đột phá của luật này, còn những khoản khác là kế thừa luật cũ và có quy định bổ sung, sửa đổi những bất cập để áp dụng hiệu quả hơn.

“Nhưng nếu mô hình Ban quản lý và khai thác cảng áp dụng cho những cảng lớn, xây dựng mới thì tại đây có cần cảng vụ hay không? Cảng vụ là cơ quan quản lý Nhà nước, là cánh tay nối dài của Cục Hàng hải VN. Nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng mà để cảng vụ thì có bị chồng lấn, có thừa cơ quan quản lý Nhà nước hay không?” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Không có sự chồng chéo

Báo cáo, giải trình về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, mô hình Ban quản lý và khai thác cảng ra đời nhằm khắc phục hiện trạng trong cùng một khu vực có quá nhiều cảng, nhiều bến, nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, manh mún, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn không hiệu quả.

Mô hình này sẽ thống nhất về quản lý, đầu tư, khai thác, để trong cùng một khu vực thì đầu tư cảng có hiệu quả, không bị chồng chéo. Trước mắt chỉ áp dụng với việc đầu tư cảng mới.

“Vừa rồi, Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm áp dụng giá sàn đến năm 2017 ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm tiếp tục thu hút hàng tập trung vào đây, tránh tình trạng mỗi cảng trong khu vực quy định một giá, nơi cao nơi thấp, hoặc cạnh tranh nhau giảm giá thấp quá thì đầu tư không thu hồi được vốn. Nếu có Ban quản lý và khai thác cảng biển, họ sẽ tính toán và quyết định vấn đề này. Cảng Cái - Mép Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế, đầu tư rất lớn, song chính quyền địa phương cấp phép quá nhiều bến cảng, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, Bộ trưởng Thăng nói.

Trả lời câu hỏi có hay không sự chồng chéo hoạt động giữa Ban quản lý và khai thác cảng với cảng vụ, Bộ trưởng phân tích: “Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ, có hay không có Ban quản lý và khai thác cảng thì các cảng vụ vẫn tồn tại.

Ban quản lý và khai thác cảng có chức năng nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Còn Cảng vụ quản lý cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng, thuần túy chỉ như vậy thôi”.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng sẽ khắc phục được tồn tại là cùng một khu vực mà đầu tư dàn trải, manh mún, không có sự liên kết giữa các cảng, làm ăn không hiệu quả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

 

* Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, việc thành lập Ban quản lý và khai thác cảng là vấn đề lớn. Hiện nay, việc khai thác cảng biển chưa được như mong muốn nên Chính phủ muốn có một cơ chế mới, tạo ra sự đột phá trong khai thác.

Cơ quan quản lý này với cảng vụ là hai cơ quan khác nhau, nghĩa là có Ban quản lý và khai thác cảng thì vẫn tồn tại Cảng vụ.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ GTVT chỉnh sửa một số nội dung được góp ý để hoàn thiện Bộ luật, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới.

* Đóng góp ý kiến vào Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi), Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho biết, hiện nay tình hình trên biển và an ninh hàng hải diễn biến phức tạp, nên rất mong muốn Bộ luật (sửa đổi) sớm ra đời để khắc phục những bất cập còn tồn tại.

Nhiều vấn đề trên biển hiện nay chưa được luật điều chỉnh nên chúng tôi khó khăn trong việc bắt giữ. 

Tổ chức chống cướp biển, cướp có vũ trang khu vực châu Á xếp Việt Nam ở vị trí thứ 3 trong châu Á về cướp có vũ trang. Điều đó cho thấy vấn đề an ninh liên quan đến hàng hải rất đáng quan tâm, ông Đạm nhấn mạnh.

Theo Hoài Thu - Phương Dung

Giao Thông Vận Tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên