MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, liệu có khả thi?

Lập kế hoạch đầu tư bao gồm vốn thực hiện trung hạn là bước đi đúng nhưng hơn 4 tháng cho bản KH 5 năm quả không đơn giản trong bối cảnh còn nhiều nghi vấn liên quan đến năng lực tổ chức thực hiện.

Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn thay vì hàng năm - bước đi đột phá!

Ngày 05/08/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 23/CT-TTg về “Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020”. Theo đó, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 thay vì hàng năm như trước đây. Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn theo từng nguồn vốn, trong đó:

(1) Vốn đầu tư NSNN của các bộ, ngành ở TW và vốn bổ sung có mục tiêu tăng bình quân 10%/năm so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng CP giao;

(2) Vốn đầu tư cân đối ngân sách các địa phương trong năm đầu thời kỳ ổn định NSNN phấn đấu tăng khoảng 10%, trong các năm sau giao UBND tỉnh/thành xác định cụ thể mức vốn đầu tư theo hướng ưu tiên cho đầu tư phát triển tăng bình quân hàng năm khoảng 7-10% so với KH năm trước;

(3) Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến tăng trưởng khoảng 8% so với kế hoạch năm trước.

Tổng mức vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn được xác định phải căn cứ vào dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước giai đoạn 2016 – 2020 là 6,5% - 7%/năm, lạm phát khoảng 7%/năm.

Kế hoạch vốn đầu tư công 5 năm 2016 – 2020 được dự phòng khoảng 15% ở cấp Trung ương và các cấp chính quyền địa phương để xử lý các biến cố do trượt giá, đầu tư các dự án khẩn cấp, các vấn đề phát sinh theo quy định trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn vào từng năm cụ thể.

Một điểm khá quan trọng và đầy thách thức cho ngành là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản – Thủ tướng yêu cầu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Năm 2013, Ủy ban kinh tế Quốc hội từng xác định rằng, những thách thức về nợ công hiện nay cho thấy đã đến lúc cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng nhằm đảm bảo tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế.

Bởi vậy, nếu kiên quyết và có đủ năng lực tổ chức thực hiện cải cách trong lập kế hoạch, dự toán đầu tư công sẽ là bước đi đột phá, quan trọng giúp đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng, chủ động ngân sách.

Bước đi đúng nhưng... quá nhiều thách thức!

Theo yêu cầu, các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nguồn vốn thuộc cấp mình quản lý báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét và hoàn chỉnh kế hoạch gửi  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015.

Chỉ còn hơn 4 tháng để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu dài hạn của chính sách đưa ra là đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều nghi vấn liên quan đến năng lực tổ chức thực hiện, đó là chưa tính đến yếu tố thời gian thực hiện xây dựng bản kế hoạch. Bởi:

Một,
theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quốc hội trung tuần tháng 6/2014, nợ xây dựng cơ bản đến ngày 30/6/2013 về vốn NSNN còn 32.873 tỷ đồng của 14.674 dự án đầu tư thuộc vốn NSNN, nhưng trong năm 2014 các địa phương đã bố trí 5.228,1 tỷ đồng để trả nợ phần này.

Giả sử không có phát sinh thêm, nợ xây dựng cơ bản còn lại hơn 27.600 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, yêu cầu dứt điểm cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản vào 31/12/2014 là rất khó trong bối cảnh NSNN và nền kinh tế hiện nay. Thêm vào đó, từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, cơ quan, và bên tham gia xây dựng thầu....

Hai, năng lực cán bộ, năng lực tổ chức thực hiện công tác lập kế hoạch đầu tư cũng như phối hợp các bên còn nhiều hạn chế. Điều này được khẳng định qua thời gian, thực tế từ kết quả thực hiện đầu tư công trong thời gian qua – lập kế hoạch hàng năm.

Ba, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở nhiều cấp ngành địa phương vẫn còn tình trạng “ấn” định con số.

Bốn, đầu tư phát triển phải gắn liền với phát triển kinh tế xã hội, cân đối nhu cầu phát triển với năng lực tài chính quốc gia và khả năng tài trợ vốn đầu tư trong ngắn, trung hạn. Vì vậy, vốn đầu tư phát triển tăng bình quân hàng năm khoảng 7-10% so với kế hoạch năm trước và số dự phòng vốn đầu tư khoảng 15% là một dấu hỏi lớn.

Cuối cùng, năm 2014 – 2016 là thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Liệu một bản kế hoạch được lập bởi những “người cũ” có thể được sử dụng và thực hiện thành công bởi những “người mới” không? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về bản kế hoạch đó ở cuối kỳ thực hiện (năm 2020).

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên