MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên kịch bản cho tình huống vỡ đập Thủy điện sông Tranh 2

“Cần phải lên phương án xấu nhất cho các hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm nay để có cách ứng phó thích hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong cuộc họp với các “ông chủ” hồ chứa nước trên địa bàn.

Ngày 1/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp giữa các sở ban ngành và Ban quản lý các hồ chứa nước để triển khai công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2012 trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích xấp xỉ 500 triệu m3, trong đó hồ Phú Ninh có dung tích lớn nhất đạt 344 triệu m3. Hầu hết các hồ thủy lợi đều thi công bằng đất, đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng đã xuống cấp.

Đối với hồ thủy điện, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hiện có 10 thủy điện bậc thang do Bộ Công thương phê duyệt, 34 thủy điện nhỏ do tỉnh phê duyệt. Tổng công suất 1.500 MW.

Đến nay đã có 4 hồ thủy điện bậc thang đưa vào hoạt động là Sông Tranh 2, A Vương, Đắk  Mi 4, Sông Côn 2, và 4 công trình đang xây dựng là Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6. Đối với 34 hồ thủy điện nhỏ, hiện đã có 7 hồ đưa vào hoạt động.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty thủy điện Sông Tranh 2 cho biết đã lập xong phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập thủy điện này. Hiện công ty đã triển khai ký hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực thực hiện xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập. Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (thuộc EVN) đã lập đề cương và dự toán công tác xây dựng phương án ngập lụt vùng hạ du cho tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi thẩm tra, công ty trình EVN phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, tổng dung tích hồ thủy điện bậc thang trên sông Vu Gia - Thu Bồn khá lớn, tuy nhiên hầu hết các thủy điện này có dung tích phòng lũ rất nhỏ so với dung tích toàn bộ công trình.

Theo đó, tổng dung tích của riêng 3 hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4 khoảng 1,5 tỷ m3 nước, trong khi đó dung tích phòng lũ của 3 hồ này chỉ đạt 125 triệu m3. Đây là nhược điểm của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với công tác phòng, tránh lũ ở hạ du.

Mặc khác, hiện nay vẫn còn một số hồ thủy điện vẫn chưa hoặc vừa mới xây dựng phương án phòng chống lụt bão, phương án đảm bảo an toàn đập, an toàn cho hạ du như Khe Diên, Za Hung, Sông Côn 2… Ngoài ra, hiện nay phương án phòng chống lũ vùng hạ du của các hồ thủy điện, thủy lợi chỉ dừng lại ở mức chung chung, chưa có phương án cụ thể. Các “ông chủ” hồ chứa cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án phòng chống lũ mà các đơn vị đã trình lên tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh lưu ý đối với BQL các công trình thủy điện hiện nay tuy thủy điện mang lại lợi ích kinh tế lớn nhưng không vì thế mà bỏ qua sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du trong mùa mưa lũ.

Do đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ban ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tất cả các hồ chứa; các đơn vị quản lý hồ đập phải đảm bảo mức cao nhất vai trò chống lũ, cắt lũ.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng nguyên tắc tích nước và xả nước theo quy chế; chấp hành quy chế vận hành liên hồ thủy điện bậc thang; khẩn trương lắp đặt hệ thống camera để quan sát tại các hồ đập; thường xuyên bố trí người giám sát, theo dõi quá trình xả lũ…

Theo Công Bính

Dân trí

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên