MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu chương trình FLEGT – VPA có cản trở đà tăng trưởng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ?

Hiệp định đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU dự kiến sẽ được ký kết trong tháng 10 này.

Gỗ và sản phẩm gỗ đang là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam,  đóng góp hơn 4% vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa cả nước. Sản phẩm gỗ chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc; trong đó Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là hai thị trường có quy định rất nghiêm ngặt về sản phẩm gỗ nhập khẩu. Theo các doanh nghiệp trong ngành, để đảm bảo sản phẩm gỗ được nhập khẩu vào các thị trường này, nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đầu tháng 8, Việt Nam và EU đã tuyên bố khởi động đàm phán chính thức về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong chương trình hành động Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT - Forest Law Enforcement, Governance and Trade). Nhiều ý kiến cho rằng, FLEGT vừa là thách thức, vừa mở ra cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU.

Theo kế hoạch dự kiến trong tháng 10 này, FLEGT – VPA sẽ được ký kết kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam rộng cửa hơn để tiếp cận các thị trường còn lại trong EU, mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, theo VCCI, kết quả khảo sát mới đây cho thấy chỉ có 57% số DN hiểu biết về FLEGT-VPA, 75% số DN chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT-VPA. 73% số DN khảo sát đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang EU, chiếm 51% thị phần xuất khẩu ở thị trường này. Do vậy, đứng ngoài FLEGT đồng nghĩa với việc nhiều lợi ích thương mại sẽ bị gạt bỏ, và khả năng tiếp cận thị trường EU gồm 27 quốc gia thành viên ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

FELGT - những điều cần biết

FLEGT-VPA là hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với đối tác quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó:  

Một, đối tác quốc gia cam kết phải đảm bảo về nguồn gốc của gỗ xuất khẩu - chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Hợp pháp được hiểu là sản phẩm tuân thủ từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng đảm bảo những tiêu chí về các mặt xã hội (gỗ trồng trên đất đang có xung đột là gỗ không hợp pháp), môi trường (các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất phải tuân thủ yêu cầu về môi trường), kinh tế (người khai thác, vận chuyển phải tham gia đầy đủ các yêu cầu về thuế, phí).

Hai, quốc gia đối tác thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và sản phẩm gỗ sẽ xuất khẩu vào EU.

Ba, một cơ quan giám sát độc lập sẽ được hai bên nhất trí làm nhiệm vụ giám sát hệ thống này và cấp phép FLEGT sau khi Hiệp định ký kết.

Cuối cùng, theo FLEGT, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ chỉ xin cấp giấy phép nếu sản phẩm gỗ xuất khẩu nằm trong danh sách 115 mặt hàng gỗ xuất khẩu; trường hợp sản phẩm gỗ xuất khẩu không nằm trong danh sách 115 mặt hàng gỗ xuất khẩu được quy định trong FLEGT, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ như đã thực hiện giải trình từ tháng 3/2014 khi thực thi theo Quy chế gỗ của EU (EUTR 995/2010).

Thách thức từ FLEGT – VPA có làm cản trở đà tăng trưởng của ngành?


Thách thức lớn nhất, căn bản nhất của FLEGT – VPA là “gỗ hợp pháp”. Điều này làm thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh gỗ của doanh nghiệp, làng nghề gỗ của Việt Nam. Việc tuân thủ các quy định về môi trường, kinh tế chắc chắn sẽ làm phát sinh thêm chi phí từ đầu chuỗi đến cuối chuỗi giá trị sản xuất gỗ.

Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ từ Lào, Campuchia, Malaysia, châu Phi để sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn gốc gỗ là không đơn giản.

Mặc dù Hội đồng châu Âu (EC) và Tổ chức hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ 2,6 triệu euro cho dự án “Tiếp cận chung tới tiến trình VPA tại Việt Nam và Lào”, thực hiện trong 4 năm từ 2014 – 2018 nhằm góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững, phù hợp với quy định của EU về tính hợp pháp của gỗ, có trách nhiệm với xã hội và bền vững về môi trường. Nhưng phần lớn doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu đều là doanh nghiệp nhỏ do vậy với quy mô của chương trình, các doanh nghiệp nhỏ không dễ để vươn tới các quy định về gỗ hợp pháp trong một sớm một chiều.

Trên đây là những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU phải đối mặt.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử phát triển của ngành, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường quốc tế như: Chứng chỉ rừng và quản lí rừng bền vững (FSC), Chứng chỉ hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), Luật Lacey của Hoa Kỳ áp dụng cho đồ gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Bằng chứng là xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng 2 con số.

Dẫn lời ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Không phải bây giờ chúng ta mới nhận thấy sự biến đổi của thị trường theo hướng quản lý bền vững mà từ tháng 4/2010 chúng ta đã phải thích ứng với Đạo luật Lacey của Hoa kỳ. Cho đến nay, lượng gỗ chúng ta xuất khẩu vào Hoa Kỳ và EU vẫn tiếp tục tăng và hiện chưa có doanh nghiệp nào của ta bị phía bạn phát hiện vi phạm pháp luật của nước họ.”

Hẳn nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ là doanh nghiệp có quy mô, tiếng tăm trong ngành, nhưng sau Đạo luật Lacey, chắc chắn các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho tương lai phát triển bền vững không chỉ ở Hoa Kỳ, EU, mà ở những thị trường lớn, khó tính khác.  

Thanh Giang

quynhnn

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên