MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn thì kinh tế vẫn bất ổn

Ts. Trần Đình Thiên nhận định, xu hướng kinh tế đang xấu đi trên nhiều phương diện.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2013 đã chính thức được khai mạc tại Tp Nha Trang (Khánh Hòa). Nội dung được ra ra để bàn luận năm nay là Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cũng như những năm trước, diễn đàn lần này nhằm thu thập những ý kiến, đánh giá của các chuyên gia kinh tế khi nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2012 cũng như đề xuất chính sách thiết thực cho năm 2013 sẽ là thông tin đầu vào quan trọng để Ủy ban Kinh tế chủ trì, cùng với các cơ quan của Quốc hội xây dựng Báo cáo thẩm tra có chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề lớn của một quốc gia, được thực hiện trong một thời gian dài.

Thời gian 1 năm qua, có nhiều việc đã và đang làm, những kết quả mới chỉ là bước đầu. Vấn đề sắp tới là tập trung, quyết liệt trong hành động, biến những gì đang còn là chủ trương, những nội dung đã được xác định trong Đề án tổng thể cũng như trong các đề án của từng lĩnh vực thành chương trình hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành.

Năm 2012 cũng là năm nền kinh tế bắt đầu tiến hành tái cơ cấu. Có hai loại hoạt động đã được triển khai.

Một là đã có một số thay đổi thực sự trong cơ chế vận hành của hệ thống phân bổ nguồn lực. Những thay đổi đó là:

i) Thay cho cách phân bổ vốn theo kiểu xin cho – chia đều, Chính phủ điều chỉnh lại tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho 15 Khu Kinh tế ven biển theo hướng tập trung hơn 60% tổng số vốn cho 5 Khu Kinh tế được lựa chọn ưu tiên; 40% còn lại được phân cho 10 Khu Kinh tế “không được lựa chọn ưu tiên”.

ii) Chính phủ quyết định chỉ phê duyệt những Dự án Đầu tư nào chứng minh được khả năng bảo đảm được nguồn vốn đầu tư cho đến khi hoàn thành dự án (thay cho kiểu xin phê duyệt Dự án nhưng vốn chỉ lo được theo kiểu “đến đâu hay đến đấy).

iii) Cho phép sát nhập hay mua lại một số ngân hàng yếu kém.

Hai là Chính phủ thông qua các Đề án tái cơ cấu cụ thể, bao gồm Đề án tổng thể Tái cơ cấu nền kinh tế, các Đề án Tái cơ cấu các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước.

Nhìn lại toàn bộ hai tuyến tái cơ cấu nêu trên, các đại biểu nêu nhận xét:

Thứ nhất, những hoạt động tái cơ cấu thực sự (sát nhập ngân hàng) chủ yếu là do sự bức bách của thực tiễn chứ chưa phải là các hoạt động diễn ra theo lộ trình được định trước, trong khuôn khổ một chương trình đã được thiết kế tổng thể và bài bản.

Thứ hai, các hoạt động tái cơ cấu khác chủ yếu đều chỉ dừng lại ở các Đề án “trên giấy”, chưa gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán, chưa được triển khai trên thực tế, do đó, chưa có điều kiện để kiểm chứng và đánh giá kết quả.

Với những kết quả “khiêm tốn” như vậy, có cơ sở để đánh giá rằng một năm qua, quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi.

Những trọng điểm tái cơ cấu đã xác định hầu như đều chưa được “động chạm” đến, hệ thống phân bổ nguồn lực cũ hầu như vẫn giữ nguyên cấu trúc và cơ chế vận hành.

Các “kênh mương” dẫn vốn, các nhóm - chủ thể kinh tế chủ yếu can dự vào quá trình phân bổ nguồn lực nhà nước – các Tập đoàn Kinh tế, ngân sách các tỉnh, các ngành, đều chưa có gì thay đổi.

Nói như vậy cũng có nghĩa là các hoạt động điều hành vĩ mô trong năm qua của Chính phủ vẫn chủ yếu tập trung vào các nỗ lực can thiệp ngắn hạn vào nền kinh tế. Các bộ ngành vẫn tiếp tục lo “tháo gỡ khó khăn” chứ không phải là tiến hành các hoạt động “cải cách đột phá”.

Theo Ts Trần Đình Thiên, nếu cứ loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn mà không tạo ra được những thay đổi thực sự trong cơ cấu thì nền kinh tế vẫn tiếp tục bất ổn, cơ sở tăng trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh – đã không được áp dụng vào nỗ lực tái cơ cấu trong năm 2012.

Phải chăng đây là lý do giải thích tình hình kinh tế quý I/2013 không hề được cải thiện mà vẫn trong xu hướng tiếp tục xấu đi. Xu hướng này có thể là một chỉ báo quan trọng cho việc dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013 – Ts Thiên nói.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên