MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật mới về đối tác công - tư PPP: Cơ hội và trở ngại

Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), thay thế cho các quy định pháp lý hiện hành để tạo 1 khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng nhằm dọn đường thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân và các dự án hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Một trong những khác biệt lớn giữa nghị định 15 với các quy định hiện hành liên quan đến PPP, gồm Quyết định số 71/2010/QĐ – TTg ban hành quy chế thí điểm về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định 108/2009/NĐ – CP (và các Nghị định sửa đổi Nghị định này, số 24/2011) về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT, là việc Nghị định 15 đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực đầu tư dành cho PPP, không chỉ hạn chế trong hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước, y tế, môi trường, mà còn trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khu kinh tế, khu công nghiệp, và đáp ứng công nghệ thông tin…

Cũng trong Nghị định 15, các hình thức hợp đồng đầu tư dự án như BOT, BTO và BT, vốn ở nhiều nơi, nhiều lúc trước đây được coi là những hình thức đầu tư riêng biệt song với hình thức PPP ( đang trong giai đoạn thí điểm) nay đã được chính thức coi là các dạng thức của hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP và chịu sự điều chỉnh thống nhất của cùng 1 luật định, từ nghị định 15.

Nghị định 15 ra đời và được kỳ vọng khắc phục được 1 trong những trở ngại lớn nhất trong việc hấp thụ đầu tư của khu vực tư nhân, và các dự án PPP, trong đó là chuyện chia sẻ rủi ro mà các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải đối mặt, cũng như các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ví dụ trong các dự án giao thông vận tải có thu phí, theo quy định trước đây thì nhà đầu tư phải bỏ ra tối đa 70% vốn cho dự án trong khi không được quyết định thu phí và mức phí. Bởi vậy, với nhà đầu tư đây là rủi ro quá lớn trong việc thu hồi vốn đầu tư của họ. Nay, Nghị định 15 đã bỏ qua điều khoản hạn chế mức góp vốn tối đa của nhà nước, không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời chỉ quy định tối thiểu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án, và không thấp hơn 10%, nếu dự án có quy mô trên 15 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 15 có nhiều điều khoản quy định rõ các chính sách ưu đãi, đảm bảo đầu tư, bao gồm bảo lãnh vốn vay và nghĩa vụ của nhà đầu tư, thế chấp tài sản và quyền kinh doanh dự án, đảm bảo cân đối ngoại tệ, và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thu đúng và thu đủ và phí dịch vụ, cũng như quy định rõ trách nhiệm tài chính và quản lý của nhà nước… Như vậy, Nghị định 15 đã tạo ra 1 cơ chế rõ ràng, thống nhất, hợp lý và minh bạch hơn về việc nhà nước chia sẻ rủi ro, và tạo thêm thuận lợi và ưu đãi cho nhà đầu tư tư nhân.

Một trở ngại khác cho việc triển khai PPP trước đây là việc nhà đầu tư yêu cầu được chủ động đưa ra danh mục dự án nhưng không được chấp thuận rộng rãi. Trong Nghị định 15 đã có thêm 1 quy định chi tiết các dự án do nhà đầu tư đề xuất, ngoài các dự án do nhà nước đưa ra. Tương tự như vậy, trở ngại liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng đã được khắc phục bằng các điều khoản rõ ràng và minh bạch hơn trong Nghị định 15.

Với một cơ chế pháp lý theo hướng tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư, có thể kỳ vọng sau khi Nghị Định 15 có hiệu lực vào ngày 10/4/2015 sự tham gia của khu vực tư nhân dưới hình thức PPP vào các dự án hạ tầng và dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, mà bình thường không có tính hấp dẫn ( vì rủi ro cao và khả năng sinh lợi kém), sẽ đẩy mạnh hơn, với hiệu quả cao hơn, phạm vi mở rộng, và bền vững hơn.

Tuy vậy, để nghị định 15 phát huy được tác dụng trên thực tế, cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể. Nếu việc này kéo dài như đã từng xảy ra với nhiều luật định mới thì sẽ không thể có được khung pháp lý về PPP, mặc dù đã có luật tiến bộ và thông thoáng về nó (Nghị Định 15). Ngoài ra, cần có biện pháp khắc phục yếu kém về nhân sự, chủ yếu do cán bộ thực hiện chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực PPP và chưa có kinh nghiệm về triển khai các mô hình đầu tư này. Yếu kém về nhân sự cũng sẽ làm hạn chế việc đề xuất và đàm phán hợp đồng PPP.

Cũng cần phải nói thêm rằng tuy mô hình PPP trong việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công được coi là hướng đi đúng và cần thiết của Việt Nam hiện nay nhưng nó không phải và không nên được coi là liều thuốc vạn năng. Một trong những hạn chế chủ yếu của mô hình PPP là nhà nước vẫn phải bố trí vốn tham gia vào các dự án PPP. Nhưng có vấn đề nợ công đã và đang tăng mạnh tiếp cận ngưỡng trần cho phép, khả năng thu xếp vốn của nhà nước chỉ dựa vào các nguồn vay nợ, dù là từ vốn ODA hay vay ưu đãi… sẽ tiếp tục còn bị hạn chế trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa mức độ phổ cập của mô hình PPP ở Việt Nam sẽ bị hạn chế.

Để khắc phục được sự phụ thuộc quá lớn vào khả năng thu xếp vốn từ vay nợ, Chính phủ cần chủ động các nguồn tài chính phi vay nợ khác như nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán/nhượng quyền vận hành, khai thác các cơ sở hạ tầng có thu phí như đường cao tốc, bến cảng, sân bay, song song với các biện pháp cắt giảm chi tiêu công bao gồm cắt giảm biên chế và hạn chế đầu tư trực tiếp (và toàn bộ) từ ngân sách và các dự án và các tổ chức kinh tế xã hội.

 

TS. PHAN MINH NGỌC

CTV Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên