MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: "Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phải làm lại từ đầu"

"Họ vẫn muốn bôi trơn để được vay, bởi vì họ biết vay mà không có khả năng trả."

Tái cấu trúc nền kinh tế đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt là sau Diễn đàn Kinh Tế Mùa Thu và một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Trao đổi với ĐĐK, Luật sư Nguyễn Trần Bạt cho rằng, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là rất hay, nhưng khi đi vào thực tế thì chúng ta mới giật mình.

PV: Thời điểm này đã là quý IV của năm 2014, ông có nhận định gì về nền kinh tế hiện nay, có người nói là đang tươi sáng, có ý kiến ngược lại, ý ông thế nào?

Ông Nguyễn Trần Bạt:Tôi cũng đã hy vọng là sẽ tươi sáng, nhưng khi nghe một số thông tin về nền kinh tế hiện nay như con số nợ xấu, thì tôi nghĩ tất cả những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta bắt tay vào tái cấu trúc vẫn còn nguyên đấy, chưa có tiến triển trong tái cấu trúc. Thời gian qua, cũng có những bộ ngành rất tích cực triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải nhưng nhiều ngành khác chưa nhìn thấy những động thái tích cực.

Tái cấu trúc chưa tiến hành được thì chúng ta vẫn ôm nguyên một nền kinh tế như cũ, chưa thể tươi sáng được. Nợ xấu chưa giải quyết được. Bây giờ không thể cứ nói kinh tế tươi sáng một cách hồn nhiên mà khi nhận định phải có sự chứng minh. Tuy nhiên, rất khó để xã hội chấp nhận cách chứng minh khi đưa ra những con số theo kiểu tỉ lệ thất nghiệp là 1,84% chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải xem lại định nghĩa thất nghiệp là gì.

Xã hội ta chưa chuyên nghiệp cho nên không có các định nghĩa cơ bản. Nợ xấu cũng có vẻ không được định nghĩa và do đó con số nợ xấu cũng thay đổi hàng ngày, lúc thì công bố thế này, lúc lại đưa ra một con số khác. Đối với một nền kinh tế thì vấn đề thất nghiệp là một trong những phổ quát căn bản để có thể định nghĩa tính lành mạnh của nền kinh tế, thậm chí của xã hội. Con số được đưa ra hiện nay là không đáng tin cậy. Với những con số như vậy, tôi thấy rất khó để đưa ra những nhận định.

Thưa ông, hồi đầu năm xã hội đã bàn tới tái cấu trúc một cách rất hứng khởi, với lộ trình hết 2015 sẽ cổ phần hóa xong mấy trăm doanh nghiệp nhà nước. Khi đó trong một bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết ông có lo lắng về tính khả thi: "Ai bỏ tiền ra mua là cả một vấn đề khổng lồ”… Lo lắng ấy cho đến nay vẫn còn nguyên đấy?

- Nó vẫn còn nguyên, thậm chí còn trầm trọng hơn so với đầu năm. Thời điểm tôi trả lời phỏng vấn còn chưa có vấn đề giàn khoan Trung Quốc trên Biển Đông. Phải nói thẳng là lúc ấy tâm lý chung của mọi người là đang phấn khởi. Thậm chí, một vài ý kiến còn bàn đến những phổ quát có giá trị chiến lược toàn cầu. Khi dám nói những điều như vậy thì cũng đem lại một hiệu ứng phấn khởi, phấn khởi ấy có cơ sở hay không thì tính sau.

Lo ngại cho tính khả thi của cổ phần hóa mấy trăm doanh nghiệp nhà nước cho đến thời điểm này, đã cho thấy rõ ràng là không làm được. Cổ phần hóa là cách thức để giải quyết vấn đề tái cấu trúc. Khi mở thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, chúng ta thổi giá lên bán và ta có một tài sản ảo. Quá trình cổ phần hóa diễn ra từ đầu năm đến nay thì phải đến tháng thứ tám vừa rồi, Chính phủ mới cho phép bán dưới sổ sách còn tám tháng đầu là không.

Có nghĩa là chúng ta vẫn nghĩ tài sản của mình là có thật, bởi vì dựa vào sổ sách ảo. Toàn bộ hệ thống thống kê bị ảnh hưởng bởi điểm ban đầu của thị trường chứng khoán, tức là đã khai khống một số giá trị. Trong khi thực tế không có giá trị để bán. Bây giờ thì bán dưới giá sổ sách cũng được nhưng không ai ngốc đến mức đi mua một giá trị âm.



Tái cơ cấu nền kinh tế đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn chậm

Vấn đề lãi suất thì sao, nó phản ánh điều gì khi mà mức lãi suất thấp như hiện nay, thưa ông?

- Ở Hong Kong, ở Tokyo, hay ở một loạt các nền kinh tế có những thời kỳ rất dài cả hàng chục năm nếu gửi tiền vào ngân hàng thì người gửi phải trả một khoản phí giữ tiền cho ngân hàng, chứ không được nhận lãi. Tôi đã nói rằng sẽ đến một lúc nào đó ngân hàng sẽ bị "ngộ độc” tiền. Lãi suất thấp là biểu hiện tập trung của hiện tượng ngân hàng "ngộ độc” tiền, không cho vay được và đứng trước nguy cơ là nếu như không nhận tiền gửi thì ngân hàng không thực hiện chức năng xã hội, mà nhận tiền gửi không có lãi suất thì bộc lộ là ngân hàng có vấn đề. Bây giờ đành phải để lãi suất thấp, không có hy vọng gì lãi suất cao.

Ông vừa nói ngân hàng "ngộ độc” tiền vì không cho vay được. Nhưng bản thân các doanh nghiệp không thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, thậm chí có khi vẫn phải có "phí bôi trơn”?

- Họ vẫn muốn bôi trơn để được vay, bởi vì họ biết vay mà không có khả năng trả. Nợ xấu vẫn gia tăng là vì vậy. Vay để "quỵt” thì với người vay chẳng là cơ hội hay sao? Nếu một trăm ông đi vay mà chỉ có hai ông "quỵt” thì hai ông đó sẽ bị tóm cổ, nhưng họ biết mười mươi rằng trong số đó có tới vài chục ông "quỵt” thì tội gì không vay, mất tiền "bôi trơn” vẫn vay. Trước cửa nhà tôi ở Sài Gòn có hai cái nhà nằm trong quy hoạch, người ta đã đến đo đạc xong rồi.

Thế mà tôi không biết làm thế nào người ta vẫn dùng sổ đỏ thế chấp được để vay ngân hàng mấy chục tỷ, và sau đó cả hai chủ nhà ấy đều biến mất. Đấy chính là cổ phần hóa trong giai đoạn tiêu cực của một xã hội. Đấy là nguyên nhân tại sao không giải quyết được nợ xấu. Tức là nợ xấu phải được định nghĩa là nợ không có con đường nào để thu hồi vốn. Tất cả những dự án không có con đường thu hồi vốn cấu trúc ra nợ xấu của Việt Nam và chiếm đến 60-70% hệ thống tín dụng của Việt Nam. Tôi nghĩ là con số nợ xấu 500.000 tỷ đã là lớn rồi nhưng có khi chỉ mới là một phần của sự thật thôi.

Về câu hỏi làm thế nào để tăng sức đề kháng cho nền kinh tế mà nhiều người hay nhắc tới, ông có ý kiến gì?

- Tôi luôn đặt ra câu hỏi căn bản hơn nhiều so với những câu hỏi như vậy, đó là chúng ta đang có một nền kinh tế như thế nào? Khi nói kinh tế suy thoái thì không ai kể ra được cái gì trong nền kinh tế suy thoái. Không có một ngành nghề cụ thể nào của nền kinh tế được nêu như một ví dụ về sự suy thoái. Khi đến cái tối thiểu là công nghiệp phụ trợ chúng ta cũng chưa có thì rất khó có sức đề kháng. Đề kháng mô tả một cách cơ học là làm thế nào để nền kinh tế không bị lệch, nền kinh tế phải có đối trọng của nó. Có lẽ còn lâu năm nữa thì nền kinh tế của chúng ta may ra mới đủ sức đề kháng.

Vừa rồi, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu, các chuyên gia cũng khá bi quan khi nói về tái cấu trúc, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói thẳng thắn là chưa làm được gì và cho rằng tái cấu trúc không trúng sẽ còn có hại hơn?

- Tái cơ cấu là một đề án rất hay nhưng đến khi sờ đến cơ cấu thì chúng ta mới giật mình, làm gì để cơ cấu? Phân tích thế là để làm lại từ đầu. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phải làm lại từ đầu, phải đặt lại nền móng cho nó. Tôi không thấy ở đâu người ta xây dựng cơ sở hạ tầng như ở Việt Nam, hễ có đất là làm, chỗ nào trống là làm. Một khi đưa ra một dự án là người ta phải tính toán làm cái này để phục vụ đối tượng nào, con đường này nối từ cái gì đến cái gì, phục vụ cho mục tiêu nào và thu hồi vốn bằng cách nào? Phải nói thật là chúng ta liều. Một công trình hạ tầng mà không thu hồi vốn tức là đầu tư không có mục tiêu quản lý. Chúng ta sẽ không có triển vọng để có thể cấu trúc ra một nền kinh tế.

Từ giờ đến cuối năm còn chưa đầy 3 tháng nữa, theo ông nền kinh tế có thay đổi gì không, những chỉ số đặt ra như mức tăng trưởng có đạt được không?

- Vấn đề là chúng ta đang đặt ra cái gì? Nếu là chỉ tiêu GDP khoảng 5,5% hay 5,8% thì không có gì khó. Vấn đề là liệu chúng ta có được những con số thống kê về tăng trưởng của từng ngành công nghiệp, những báo cáo cụ thể cho từng ngành công nghiệp cụ thể, cho từng ngành dịch vụ cụ thể không? (báo cáo thật chứ không phải là những con số đẹp). Theo tôi, đó là những vấn đề quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Cẩm Thúy

thunm

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên