MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương cho nhân viên tăng - rủi ro kinh doanh của Việt Nam

Hơn 60% số DN cho rằng “chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế, chi phí nhân công tăng” là những vấn đề lớn. “Lương cho nhân viên tăng” được đánh giá là một trong những rủi ro kinh doanh lớn nhất.

Ngày 24/02/2014, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã công bố kết quả khảo sát “Xu hướng đầu tư của Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” năm 2013.

Đây là chương trình khảo sát thông qua phiếu khảo sát, được thực hiện vào tháng 10 và tháng 11 năm 2013. Tại Việt Nam, tổ chức này đã tiến hành khảo sát 435 doanh nghiệp (Bắc Trung Bộ: 221 doanh nghiệp, Nam Bộ: 214 doanh nghiệp, tỷ lệ trả lời: 74,4%).

Theo đó, kết quả khảo sát như sau:

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trả lời “thua lỗ” là 25,6%, tăng 5,3% so với năm trước, nhưng số doanh nghiệp trả lời “có lãi” vẫn chiếm 60%. Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì các doanh nghiệp chế xuất (EPE) hoạt động tốt hơn, còn các doanh nghiệp sản xuất không gia công xuất khẩu (Non EPE) chiếm trên 30% trả lời là “thua lỗ”.

Về hướng triển khai hoạt động sắp tới, có đến 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là cứ điểm quan trọng. Khoảng 90% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Đối với doanh nghiệp phi sản xuất thì trên 60% số doanh nghiệp cho rằng, ý do chính là “khả năng tăng trưởng cao và có tiềm năng”.

Môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn được đánh giá cao về “khả năng tăng trưởng và “tình hình chính trị - xã hội ổn định” nhưng đồng thời những rủi ro về môi trường đầu tư của Việt Nam hầu như không thay đổi. Đó là chi phí nhân công tăng vọt, thủ tục hành chính, chính sách của Chính phủ không minh bạch, chế độ thuế, thủ tục thuế quan và hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, hơn 60% số doanh nghiệp cho rằng “chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế, chi phí nhân công tăng” là những vấn đề lớn. Không những thế, tỷ lệ các hạng mục này ngày càng diễn biến xấu đi so với kết quả điều tra năm 2012. “Lương cho nhân viên tăng” cũng được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rủi ro kinh doanh lớn nhất.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ tăng lương tối thiểu của Việt Nam có giảm đi do tình hình kinh tế suy thoái nhưng vẫn ở mức cao. Dù vậy, tổng tiền lương cả năm vẫn tương đối thấp so với các nước khác.

Một vấn đề không mới và cũng đã được nói đến nhiều, đó là khả năng cung cấp nguyên liệu, vật tư trong nước của Việt Nam chưa cao. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 32,2% - tăng 4,3% so với năm trước nhưng so với các nước khác như Trung Quốc (64,2%), Thái Lan (52,7%), Malaysia (42,3%), Indonesia (40,8%) thì vẫn thấp.

Từ tỷ lệ cung cấp nguyên liệu, vật tư nội địa cho thấy tỷ lệ mua từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 42,6% - tăng 5,9%. Tỷ lệ mua từ các doanh nghiệp Việt Nam là 41% - giảm 4%. Như vậy, để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí thì việc đẩy mạnh mua nguyên liệu, vật tư từ doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng. JETRO cho rằng, việc trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (cho vay vốn lãi suất thấp, phát triển nguồn nhân lực… ) là cần thiết.

Về tình hình xuất khẩu, so với các nước khác, tỷ lệ xuất khẩu 100% của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao. Xuất khẩu sang Nhật Bản là lớn nhất, chiếm trên 60% tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam.

Về tình hình áp dụng EPA/ FTA, tình hình phát huy lợi thế EPA/FTA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,6%, tăng 3,1% so với năm trước. Trong đó, tình hình áp dụng đối với ASEAN và Trung Quốc đều tăng lên cả về xuất và nhập khẩu.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên