MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động

"Tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu, để đáp ứng được yêu cầu nêu trên nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay cần phải có lộ trình tăng lương tối thiểu để phù hợp với điều kiện KTXH."

Đó là ý kiến của ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động VN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - tại lễ ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng 6.8 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; lãnh đạo Bộ LĐTBXH; VCCI; ILO, Liên minh HTX.

Được biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có trách nhiệm xác định lương tối thiểu vùng để khuyến nghị với Chính phủ hằng năm và từng thời kỳ, thông qua đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tăng cường tính đồng thuận

Theo Bộ LĐTBXH, hiện chính sách tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất và là “lưới” an toàn để bảo vệ người lao động (NLĐ). Đây cũng là căn cứ pháp lý để NLĐ và người sử dụng LĐ thỏa thuận các mức tiền lương, tiền công nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Việc ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ giúp Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập. 

Đồng thời khuyến nghị cùng Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng và thay đổi cơ chế tham vấn gián tiếp của các bên trong quan hệ LĐ với Chính phủ trước đây, sang tham vấn trực tiếp trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhằm tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng trong DN phù hợp trình Chính phủ. Đây cũng là căn cứ cho các bên xác định phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu, tạo sự đồng thuận cao nhất để đưa ra quyết định hợp lý, bởi Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN luôn mong muốn tiền lương của NLĐ luôn ở mức cao, nhưng phía người sử dụng LĐ cho rằng tiền lương gắn với cạnh tranh, chi phí, do vậy đồng thuận cũng rất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết: Vấn đề tiền lương và giá cả luôn quan hệ mật thiết với nhau, giá cả ở đây có cả sức LĐ và chi phí đầu vào. Do vậy, mọi chi phí đó đều phải tính toán giữa thu và chi, việc điều chỉnh mặt bằng giá cả phải theo xu hướng của thị trường và việc điều chỉnh giá cả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của NLĐ, việc điều chỉnh tiền lương nhằm bù trượt giá để bảo đảm đời sống của NLĐ. Việc cải thiện cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh và áp dụng từ 1.1 đến 31.12 hằng năm, hiện hội đồng đang có dự thảo, đề xuất với Bộ LĐTBXH và trình Chính phủ vào tháng 7 hằng năm để Thủ tướng có thể ký vào tháng 10. Quan trọng nhất là phải bù được trượt giá của thị trường.

Doanh nghiệp “né bảo hiểm” qua lương tối thiểu

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, PCT Hội đồng Tiền lương Quốc gia - về nguyên tắc chung khi mỗi bên đề xuất một phương án để hội đồng tham vấn xem xét, phương án của đại diện Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN sẽ khác biệt, không đồng nhất với đại diện giới chủ. Do vậy cán cân phụ thuộc vào Chính phủ và theo nguyên tắc bỏ phiếu, nếu phương án nào cao hơn sẽ được chọn.

Theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc thì Chính phủ sẽ chọn một phương án trung gian để hòa hợp giữa các bên. Tổ chức CĐ đưa ra phương án trên nguyên tắc phù hợp thực tiễn vì theo Điều 91 của Bộ luật LĐ quy định “tiền lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu và gia đình họ”. Do vậy phải khảo sát điều tra nhu cầu sống tối thiểu ở từng vùng với tiêu chí khoa học.

Qua khảo sát hiện nay, tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu, để đáp ứng được yêu cầu nêu trên nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay cần phải có lộ trình tăng lương tối thiểu để phù hợp với điều kiện KTXH. Theo lộ trình hằng năm, hội đồng tư vấn cho Chính phủ với phương án phù hợp như Điều 90 và 91 của Bộ luật LĐ để đàm phán cùng chọn ra phương án phù hợp. Tổng LĐLĐVN hằng năm vẫn khảo sát đánh giá tình hình lương tối thiểu qua lương thực, thực phẩm và văn hóa tinh thần.

“Hiện nhiều DN tại các thành phố lớn đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng họ lại “né” đóng BHXH cho NLĐ bằng cách đóng theo mức lương tối thiểu, mức lương tối thiểu lại giúp DN lách trốn đóng BHXH, điều này rất thiệt thòi cho NLĐ và Nhà nước. Vì khi hưởng lương hưu chỉ được 70% của mức lương tối thiểu, thì họ sẽ sống dưới mức nghèo khổ” - Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh: “Cần tiến hành đề xuất với Chính phủ mức lương tối thiểu vùng năm 2014”. “Hội đồng Tiền lương Quốc gia nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên tham gia hội đồng và giữa hội đồng với các bộ, ngành liên quan để hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định, Chính phủ giao. Trước mắt, các tháng còn lại của năm 2013 bên cạnh việc kiện toàn về tổ chức, quy chế hoạt động, hội đồng phải tiến hành nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2014...”.


Theo Đặng Tiến

thunm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên