MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương trong doanh nghiệp FDI còn thấp hơn trong doanh nghiệp nhà nước

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu (SOEs) có xu hướng trả lương cao nhất trong tất cả các loại doanh nghiệp.

Ngày 26/06/2014, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp Cục đầu tư nước ngoài của Bộ kế hoạch đầu tư (FIA) tổ chức tổ chức Hội thảo công bố nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam và Unido về ưu đãi đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo này thực hiện vào năm 2011 với dữ liệu được thu thập từ 1.494 doanh nghiệp trả lời.

Theo nghiên cứu này, doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp. Mặc dù vậy, họ hoạt động tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam về năng suất lao động, tổng năng suất lao động, hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả vốn con người.

Khi so sánh giữa 2 nhóm doanh nghiệp nước ngoài được nhân ưu đãi và không được nhận ưu đãi, nghiên cứu cho thấy về tổng thể, dường như không có nhiều sự khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động hơn và năng suất lao động cũng như cường độ vốn cao hơn các công ty trong nước và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Trong số các công ty nước ngoài, chỉ có những công ty được nhận ưu đãi mới trả lương cao hơn so với các công ty trong nước và lương tại những công ty này cũng cao hơn so với tại các công ty không được nhận ưu đãi.

Đi cụ thể vào một số tỉnh thành, ở thành phố Hồ Chí Minh, không có sự khác biệt lớn giữa DN FDI được ưu đãi và DN không được ưu đãi. Tuy nhiên, các DN FDI đều tốt hơn DN Việt Nam về khả năng tạo công ăn việc làm. Xem xét các yếu tố như tăng trưởng doanh thu, giá trị gia tăng bình quân một lao động hay tỷ lệ vốn/lao động, DN FDI nhận được ưu đãi đều hoạt động so với các DN khác.

Ở tình Bình Dương, DN FDI nhận ưu đãi có xu hướng tạo nhiều công ăn việc làm hơn. Ngược lại, DN FDI không nhận được ưu đãi đầu tư lại dự kiến đầu tư nhiều hơn trong tương lai.

Ở Hà Nội, khuôn khổ chính sách về ưu đãi tài chính có vẻ hoạt động tốt vì các DN được ưu đãi nhìn chung hoạt động tốt hơn các DN khác về tất cả các chỉ tiêu.

Sử dụng mô hình hồi quy, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (SOEs) có xu hướng trả lương cao nhất trong tất cả các loại doanh nghiệp.

Trước đó, trong Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013 do phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng cho biết trong giai đoạn 2007 – 2012, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có thu nhập cao nhất so với lao động của các DN thuộc thành phần kinh tế khác.

>> Lao động trong doanh nghiệp nhà nước đứng đầu về thu nhập

Xem xét kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp, không có sự khác biệt ý nghĩa nào được phát hiện giữa các công ty nước ngoài và trong nước về khả năng tạo ra việc làm trong tương lai gần. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài nhận được ưu đãi có xu hướng tăng tuyển dụng lao động trong tương lai khi so sánh với các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Theo các DN FDI được khảo sát, quyết định đầu tư của họ bị tác động chủ yếu bởi nền tảng kinh tế vững chắc trong các nền kinh tế của nước chủ nhà, sau đó mới đến khung ưu đãi. Các chính sách ưu đãi có thể đã và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và củng cố FDI tại Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng việc cấp ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi tài chính cần phải được chọn lọc gắn với các dự án đầu tư cụ thể.

Hồng Hà

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên