MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái của doanh nghiệp FDI

Ngoài chuyện chuyển giá, thì việc các DN FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các DN trong nước.

Nội dung nổi bật

- Trong quý 1 thu hút vốn FDI đạt 1,837 tỷ USD, trong đó lĩnh vực xây dựng, bất động sản dẫn đầu

- 3 tháng đầu năm vắng mặt các dự án lớn khiến cho số vốn đăng ký FDI giảm mạnh

- Ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó trưởng ban – Ban Thông tin DN và thị trường (Trung tâm TT và Dự báo KTXH) cho rằng, ngoài chuyện chuyển giá, thì việc các DN FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các DN trong nước


Sáng nay (ngày 9/4/2014), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã Hội thảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo về tình hình thu hút vốn FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong quý I/2015 Việt Nam đã thu hút được 1,837 tỷ USD vốn FDI.

Đáng nói trong số đó, lĩnh vực xây dựng, bất động sản đứng trong “top đầu”, với 203 triệu USD đăng ký mới. So với 2 tháng trước đó, số vốn FDI “đổ” vào bất động sản riêng tháng 3/2015 đã tăng gần 100 triệu USD đăng ký mới. Lũy kế, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án bất động sản tính đến 20/3/2015 đạt gần 48,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự vắng mặt của các dự án lớn. Chính điều này đã khiến vốn đăng ký FDI mới giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý I có 267 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, chỉ bằng 59,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số dự án đăng ký tăng thêm vốn là 102 dự án với số vốn tăng thêm đạt 621 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về khu vực thu hút đầu tư, Tp Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong quý I với 540 triệu USD đăng ký mới và tăng thêm, trong khi Hà Nội chỉ “hút” được 68,66 triệu USD… Các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn là những quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong quý I.

Dù đánh giá vốn FDI đã đem lại “một bộ mặt khác”, tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó trưởng ban – Ban Thông tin DN và thị trường cũng đã chỉ ra những hạn chế mà dòng vốn FDI tác động ngược trở lại với nền kinh tế.

“Ngoài chuyện chuyển giá, thì việc các DN FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các DN trong nước” – Ông Hoàng chỉ ra.

Cũng theo ông Hoàng, các công ty đa quốc gia phát triển mạnh trong một số lĩnh vực với lượng vốn lớn, công nghệ mạnh đã đẩy các DN trong nước cùng lĩnh vực ra khỏi thị trường. Số DN có tầm kiểm soát ngành trên đã làm méo mó thị trường.

Trước những thách thức lan tỏa mà dòng vốn FDI đem lại, ông Nguyễn Huy Hoàng kiến nghị, các chính sách thu hút vốn FDI cần được rà soát, tập trung hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao.

Bên cạnh đó, khung pháp lý về mua bán – sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài cần nhanh chóng hoàn thiện để đẩy mạnh gắn kết về công nghệ, lao động, thị trường và quản trị DN. Riêng với lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực then chốt như điện tử, dệt may, sản xuất ô tô, xe máy…,vị này nhấn mạnh, cần nghiên cứu đưa ra mô hình liên kết ngang, hình thành các DN vệ tinh, sản xuất linh kiện cho các DN FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu.

Ông Hoàng lấy ví dụ, như trường hợp của công ty Toyota Việt Nam mặc dù con số công bố là tỷ lệ nội địa hóa 40% nhưng trên thực tế những chi tiết đó phần lớn cũng được cung cấp bởi những doanh nghiệp FDI. Do đó, dù “kêu gọi” nhiều nhưng trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang không tham gia được vào chuỗi cung ứng của Toyota nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên