MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam: Thay đổi theo hướng nào?

Ngày 20/5 tới đây, kỳ họp Quốc hội thứ bảy sẽ được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về văn kiện đại hội XI của Đảng. Trong đó có dự thảo cương lĩnh; dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2011-2020).

Với góc nhìn của người nghiên cứu kinh tế vĩ mô, trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng đã đến thời điểm cần thay đổi mô hình tăng trưởng.

Phát triển kinh tế không chỉ là tăng GDP

Nhìn lại chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm giai đoạn 2001 - 2010, cá nhân ông thấy Việt Nam đã đạt và không đạt được những mục tiêu lớn nào?

Theo tôi thì chúng ta đạt được nhiều thành tựu cơ bản như: tốc độ phát triển kinh tế tương đối cao, khoảng 7,2%/năm; GDP bình quân đầu người tăng gấp 2 lần năm 2001 (nếu tính giá hiện hành thì khoảng 3,4 lần), thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 4 lần, và quan trọng là Việt Nam đã bước đầu thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục trong 10 năm tới như chuyển dịch cơ cấu còn chậm so với yêu cầu phát triển bền vững đã đặt ra và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đời sống của đồng bào ở vùng núi, biên giới, hải đảo chậm được cải thiện; nguồn nhân lực không đáp ứng được cho phát triển; các vấn đề tham ô, tham nhũng, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức chưa được ngăn chặn và đẩy lùi...

Một trong những mục tiêu chính của dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới là phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ góc nhìn của mình, ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà Việt Nam hướng tới?

Một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là khái niệm mà Đảng ta đưa ra từ Đại hội X, dựa trên đặc điểm của tình hình thế giới hiện nay và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Tức là tại thời điểm đó, nền kinh tế của nước ta có những ngành, lĩnh vực đạt mức độ công nghệ của các nước tiên tiến, làm cơ sở để thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển. Các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản theo hướng đồng bộ, tạo lập những ưu đãi của nhà nước cho nhóm người có thu nhập thấp. Các vấn đề phát triển bền vững được thực hiện theo chiến lược lâu dài, có tầm nhìn đến 2050.

Lúc đó chúng ta sẽ phải cơ bản đáp ứng nhu cầu về điện năng, nhà ở, giao thông, công nghệ thông tin, hệ thống giáo dục, y tế... của nhân dân tương đương với mức của các nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng từ 3.000-5.000 USD, trong khi thực tế thu nhập của chúng ta chỉ khoảng 2.000 - 2.500 USD.

Trong một số ngành và lĩnh vực, Việt Nam đạt trình độ của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - PV) như Internet, ứng dụng công nghệ cao trong khám chữa bệnh, sử dụng các phương tiện vận tải có độ thải CO2 thấp, tỷ lệ giao thông công cộng ngày càng cao…

Chúng ta cũng chọn được một số ngành mà đại diện là các tập đoàn kinh tế có các sản phẩm được thế giới biết đến như dầu khí trong lĩnh vực khai thác, thăm dò; như viễn thông trong lĩnh vực tổ chức mạng di động và cáp quang….

Trong các mục tiêu chính đã được xác định tại dự thảo chiến lược, mục tiêu nào chúng ta sẽ phải phấn đấu nhiều nhất để đạt được, theo ông?

Tôi nghĩ, mục tiêu lớn nhất là sự chủ động tham gia của chúng ta vào quá trình có tính toàn cầu trong việc hình thành giá trị gia tăng của sản phẩm. Có tham gia vào quá trình này một cách tích cực và có trách nhiệm, chúng ta mới đảm bảo khả năng phát triển nền kinh tế nước ta trên cơ sở thị trường nội địa và xuất khẩu ổn định. Tức là cơ cấu hay mô hình phát triển của chúng ta tận dụng hết được các tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng trên một sản phẩm.

Lúc này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sản phẩm đạt chất lượng thế giới, nên sẽ phải có tư duy mới về độc lập tự chủ trong kinh tế chứ không nên nghĩ cái gì cũng phải làm từ A đến Z.

Ví dụ không phải cứ đóng tàu là phải sản xuất được động cơ thủy, sản xuất được các loại thép... Cần hiểu vấn đề sản xuất một con tàu là sản phẩm của nhiều nước cùng hợp tác mà thông qua quyền lợi kinh tế trong sản phẩm để tạo sự đồng thuận trong các vấn đề khác. Trên cơ sở lợi thế của mình về công nghiệp điện tử ứng dụng, chúng ta có thể tham gia phát triển nghi khí hàng hải hoặc các sản phẩm dịch vụ giải trí trên tàu... Việc sản xuất động cơ thủy không phải nước nào cũng làm được, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm và công nghệ, vốn cũng như nguồn nhân lực phù hợp, nên nếu cố làm thì cũng như ngành công nghiệp ôtô hiện nay thôi.

Chủ đề của dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được xác định là: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững... Nhìn từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm qua, liệu rằng “phát triển nhanh” và “phát triển bền vững” là hai mệnh đề có thể hòa hợp?

Trong mô hình tam giác phát triển bền vững gồm 3 đỉnh kinh tế - xã hội - môi trường mà chúng tôi đang hợp tác với một số nhà khoa học Đức xây dựng thì hai khái niệm này không mâu thuẫn, mà có sự phối hợp, hỗ trợ nhau.

Chúng tôi xác định trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa thì tam giác phát triển bền vững phải là tam giác cân với đỉnh là phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế nhanh ở đây không chỉ đơn thuần là con số tăng trưởng GDP cao, mà là phát triển để tận dụng hết tiềm năng của nội tại nền kinh tế nước ta và tận dụng hết cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Nếu tận dụng hết các điều tôi nêu trên thì con số 5% hay 10% tăng GDP không còn là quan trọng. Vì nếu mọi khả năng chỉ đạt giới hạn đó mà vẫn muốn tăng hơn nữa tức là đã phá vỡ cân đối vĩ mô, là phát triển nóng, thì cái giá phải trả sau này là rất lớn cho con cháu chúng ta, dù đời chúng ta hiện nay thì trả nợ vay chưa phải là vấn đề cấp bách.

Ông vừa nói việc phát triển nhanh kinh tế “không chỉ đơn thuần là con số tăng trưởng GDP cao”. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ phải dần từ bỏ lối tư duy hiện còn khá phổ biến là chạy theo con số, chạy theo thành tích. Sự từ bỏ này, theo ông, có khó không, và nếu có thì khó đến mức nào?

Sẽ rất khó. Vì từ trước đến nay vẫn có nếp đánh giá cán bộ theo việc thực hiện các chỉ tiêu được giao. Bởi thế, đã đến lúc phải có tư duy mới trong phát triển kinh tế, có các tiêu chí phù hợp với phát triển bền vững. Và các tiêu chí đó thể hiện được lợi thế so sánh của từng ngành, từng địa phương.

Phát triển bền vững: Thời cơ đã đến

Như vậy, ông cho rằng hiện đang là thời điểm thích hợp để áp dụng mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam?

Cách đây hơn một năm, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 12, nhiều đại biểu Quốc hội (trong đó có tôi) đã nêu vấn đề cần xác định lại mô hình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Vì chúng ta đã mất dần lợi thế về phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ vào vốn đầu tư và giá lao động rẻ.

Trong những năm từ 1998 đến 2007, chúng ta đã có những chính sách tương đối hợp lý để phát triển nền kinh tế theo hướng lấy xuất khẩu làm mũi nhọn. Nhưng từ sau 2007, khi Việt Nam đã là thành viên của WTO thì cần có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Tức là, phải hướng nền kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm toàn cầu.

Ví dụ, trong quá trình sản xuất máy bay Boeing của Mỹ có hơn 10.000 doanh nghiệp của gần 100 nước tham gia. Việt Nam cũng cần có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể bán cho nhà sản xuất máy bay nổi tiếng này sử dụng.

Hoặc như quá trình hình thành một chiếc áo sơ mi xuất khẩu cũng gồm có 4 công đoạn chính: thiết kế, sản xuất vật liệu, gia công và tiêu thụ thì Việt Nam hiện nay mới tham gia được vào khâu đơn giản nhất, đó là gia công sản phẩm. Đây là khâu dựa vào giá lao động rẻ và nhân công lớn.

Khâu thiết kế đòi hỏi người lao động có trình độ cao nhất, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học nhất. Khâu này có lợi nhuận cao nhất, thường được đặt ở các nước công nghiệp tiên tiến, như nhóm các nước G7.

Khâu thứ hai, sản xuất nguyên liệu đòi hỏi phải có công nghệ cao, có thể sản xuất nhanh, nhiều và đa dạng sản phẩm, thường ở các nước công nghiệp mới phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ...

Còn khâu thứ tư là tiêu thụ thì do các tập đoàn đa quốc gia đảm nhiệm. Đây cũng là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi vốn lớn.

Tại kỳ họp đó, Quốc hội đã xác định cần có đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công chủ trì thực hiện. Ngay tại thời điểm đó, có thể việc gọi tên chưa chính xác nên có thể khiến một số người hiểu lầm. Đến giờ thì nhiều nhà khoa học và quản lý thấy rằng nên gọi là đề án đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam để thực hiện công nghiệp hóa thì có vẻ chính xác hơn.

Khi đó, Quốc hội và Chính phủ xác định là cần khoảng một năm để xây dựng đề án. Nhưng đến nay, 18 tháng đã trôi qua, mà vẫn chưa có những quyết định rõ ràng có tính chiến lược.

Trong khi đó, nếu nhìn sang “hàng xóm”, thì ngày 30/3 vừa qua Malaysia đã công bố sự chuyển đổi mô hình kinh tế để vượt qua cái bẫy nước có thu nhập trung bình. Như vậy, họ cũng nhận thức được vấn đề như nước ta, nhưng đến giờ, họ đã có định hướng đến 2020, để trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Mô hình tam giác phát triển bền vững gồm 3 đỉnh kinh tế - xã hội - môi trường mà ông đã đề cập ở trên có thể hiểu là sự tiếp nối hợp tác với các nhà khoa học Đức và theo đuổi vấn đề mà ông và nhiều vị đại biểu khác đã nêu tại kỳ họp Quốc hội thứ tư?

Vâng, tại kỳ họp Quốc hội thứ tư, tôi chỉ là một trong một số các đại biểu nêu vấn đề phát triển bền vững. Nhưng khái niệm tam giác phát triển bền vững thì có lẽ chúng tôi là những người sử dụng đầu tiên ở Việt Nam, trên cơ sở hợp tác với các nhà khoa học Đức. Đây đúng là vấn đề tôi và nhiều đồng nghiệp mong muốn được tiếp tục có những đóng góp cho đất nước.

Vậy vấn đề này có mối liên quan như thế nào với đề án đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam để thực hiện công nghiệp hóa?

Nó chính là nền tảng khoa học kinh tế cho việc định hướng đầu tư và phát triển sản xuất ở tầm vĩ mô. Trên cơ sở lý thuyết phát triển này, người quản lý sẽ biết được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, từ đó chọn điểm ưu tiên phát triển từng thời kỳ phù hợp với khả năng tài chính của đất nước, nhận thức của người dân và chi phí bảo vệ môi trường cần thiết để đảm bảo cân bằng môi trường sống.

Có thể ở giai đoạn đầu, để đưa nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, chúng ta sẽ ưu tiên cho phát triển kinh tế.

Nhưng với cái nhìn đa diện của lý thuyết này, chúng ta sẽ biết điểm dừng của việc đầu tư để tránh hủy hoại môi trường và dành một phần quỹ đất tiếp theo của nhà máy để hoàn chỉnh hệ thống bảo vệ môi trường, có chính sách thuế phù hợp với công nghệ thân thiện môi trường mà doanh nghiệp đầu tư.

Tôi lấy ví dụ như việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện chẳng hạn. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, chúng ta phải xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than. Chúng ta sẽ phải lựa chọn công nghệ hợp lý để không đẩy giá thành 1 kW điện lên cao quá, nhưng đồng thời có chính sách để dành quỹ đất trồng những thảm thực vật chống bụi ra môi trường xung quanh, rồi sử dụng hệ lọc tĩnh điện tại ống khói để thu lượng tro bay này làm phụ gia cho bê tông nhẹ, rồi đất để xây dựng nhà máy gạch từ xỉ than để giảm việc sử dụng vật liệu nung trong xây dựng...

Như vậy khi xây dựng nhà máy điện chúng ta đã nghĩ đến ảnh hưởng môi trường nhưng đồng thời nghĩ đến việc tạo ra việc làm mới ngoài nhà máy điện, hình thành một ngành công nghiệp vật liệu xây dựng mới...

Như vậy thì việc đưa những thông tin của lý thuyết phát triển này đến với Quốc hội là cần thiết, nhất là tại thời điểm chuẩn bị thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới?

Tôi xin được chia sẻ điều này. Do đặc thù của Quốc hội Việt Nam là số đại biểu kiêm nhiệm đông, hệ thống giúp việc không có và tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội chiếm tuyệt đại đa số, nên khi thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội thường là mục tiêu thống nhất, nhưng phương thức thực hiện thì còn cần trao đổi.

Nếu các đại biểu hiểu rõ lý thuyết thì sẽ dễ trao đổi hơn, vì đã có một thước đo chung. Và như thế cũng dễ nhận xét, đánh giá các nỗ lực của cơ quan hành pháp hơn trong việc thực hiện mục tiêu đã thống nhất đó.

Những năm gần đây, bằng các hoạt động nghiên cứu của mình, tôi và các cộng sự đã có một số bài viết giới thiệu kết quả nghiên cứu về lý thuyết phát triển bền vững trên các phương tiện thông tin. Trong năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành một cuốn sách, viết cùng các đồng nghiệp Đức, về phát triển bền vững. Nếu đại biểu Quốc hội thấy rằng nội dung có tác dụng nhất định thì chúng tôi cũng rất vui, vì đã góp phần cung cấp thêm thông tin nhiều chiều cho các đại biểu.

Trở lại vấn đề đã đặt ra ban đầu, mới đây, Bộ Chính trị đã có thông báo về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XI tại Đại hội Đảng các cấp và lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân. Theo ông, việc kêu gọi toàn dân góp ý sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đến đâu cho các văn kiện?

Cái quan trọng nhất theo tôi là tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Qua dự thảo văn kiện, người dân cảm nhận được các mối quan tâm của Đảng là nhằm nâng cao đời sống của họ. Nếu có chỗ nào họ cảm thấy chưa đúng mức thì phát biểu ý kiến nhận xét và yêu cầu của mình. Qua thu thập ý kiến sẽ phân loại và công khai cái gì tiếp thu được cái gì không tiếp thu được và vì sao.

 
Thông qua đó, Đảng sẽ nắm chắc hơn nhu cầu của người dân trong xã hội để điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế mà mình xây dựng nên cho phù hợp với mong muốn nguyện vọng của nhân dân. Vì mục tiêu lớn nhất của Đảng là phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc Việt Nam.
 
Theo Ngọc-Thúy
Vneconomy
 

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên