MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong manh trước hội nhập: Cần được kinh doanh bình đẳng

Điều các doanh nghiệp mong chờ nhất là có được môi trường kinh doanh bình đẳng, thủ tục hành chính thông thoáng và kiểm soát được nạn hàng nhái, hàng giả

Ông Phạm Như Bách, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mai Lan, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp (DN) ông rất vất vả để cạnh tranh với hàng kém chất lượng của các cơ sở nhỏ lẻ. “Dù có cả hệ thống cơ quan quản lý kiểm soát thị trường nhưng khi gặp chuyện, họ thường nói “không đủ lực lượng”. Một nhà dân chỉ cần xây không phép đã bị lập biên bản xử lý, trong khi một cơ sở sản xuất trái phép, không niêm yết giá cả, không bảo đảm chất lượng vẫn tồn tại nhưng không ai hỏi thăm!” - ông Bách dẫn chứng.

Dễ tạo cơ chế “xin - cho”

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, mặt hàng trứng gia cầm, theo lộ trình cam kết của WTO, vẫn được bảo hộ nên không ngại cạnh tranh nhưng thịt gia cầm, gia súc thì DN trong nước sẽ mệt mỏi với hàng ngoại. Bản thân mỗi DN nên nhìn nhận mặt hàng nào là thế mạnh để đầu tư bởi nếu không sẽ khó bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu.

Chẳng hạn, sản phẩm trứng ăn liền đang là thị trường rất tiềm năng nhưng Vĩnh Thành Đạt cần khoảng 15-20 tỉ đồng để đầu tư nâng công suất. Nếu vay ngân hàng với lãi suất dài hạn, sợ không hiệu quả trừ khi có chính sách ưu đãi của nhà nước, còn gọi vốn đầu tư nước ngoài thì lo mất thương hiệu Việt. “Hiện có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính sẵn sàng rót vốn nhưng tôi phải cân nhắc rất kỹ” - ông Thiện nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng các chính sách hỗ trợ DN của nhà nước lâu nay đều có mục tiêu tốt nhưng không có bộ máy thực thi hiệu quả, chính sách càng tốt thì càng nặng về xin - cho. Điều quan trọng nhất mà DN cần chính là tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, giảm thủ tục pháp lý và xây dựng cơ sở hạ tầng với chi phí thấp.

“Những điều này tạo thành môi trường kinh doanh chung để tất cả DN cùng hưởng lợi. Còn nếu đi vào từng chính sách hỗ trợ cụ thể, có khi chỉ những DN nào giỏi chạy chọt, quen biết (thường là DN lớn) sẽ hưởng lợi, thay vì DN nhỏ và vừa” - ông Hiển nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, muốn DN trụ lại được khi Việt Nam mở cửa hội nhập, cần sự hỗ trợ rất lớn từ các chính sách ưu đãi của nhà nước nhưng hiện có nhiều chính sách tréo ngoe. Đơn cử như lĩnh vực thuế, khi DN bán sản phẩm trong nước dù là hàng tiêu dùng cuối cùng hoặc đầu vào cho các DN khác, phải chịu đủ loại thuế (thuế gián thu, thuế trực thu…) trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu làm hàng gia công để xuất khẩu lại có mức thuế suất bằng 0 và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dù DN gia công xuất khẩu bản chất là xuất khẩu giùm nước ngoài.

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, cho rằng để giải quyết vốn cho DN nhỏ và vừa thì cần tiếp tục giảm lãi suất trung và dài hạn tối thiểu 1%-2%/năm trong năm nay. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay nhưng hình thức mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường thuê mua tài chính, phát triển bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng được tổ chức ở tất cả các cấp. Nên mở rộng hình thức cho vay tín chấp, theo dự án sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp và khẩn trương đưa quỹ phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động...

Cũng theo vị chủ tịch VCCI, Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã thực sự mở đường cho những nỗ lực đột phá vươn tới chuẩn mực quốc tế, bước đầu từ thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội và thành lập DN... Lần đầu tiên trong nhiều năm, kết quả khảo sát của VCCI năm 2015 cho thấy hơn 70% DN hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành thuế. Điều này cho thấy nếu thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể mở ra triển vọng đột phá bất ngờ ở nhiều lĩnh vực chỉ trong thời gian ngắn.

“Cần tiến hành rà soát và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong số 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư. Xóa bỏ tất cả giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề đó” - ông Lộc kiến nghị.

Cảnh báo “rửa” chứng nhận xuất xứ

TS Bùi Trinh cảnh báo một nguy cơ là “rửa chứng nhận xuất xứ (C/O)” khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Chẳng hạn, khi hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam thông qua một DN FDI của họ rồi gia công, sơ chế qua loa sau đó được xuất khẩu dưới nhãn mác của Việt Nam. Khi đó, nước được hưởng lợi từ các FTA là Trung Quốc!

Cũng theo TS Bùi Trinh, một khó khăn rất lớn với các DN nhỏ và vừa là Việt Nam không có ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc hô hào tạo ra sản phẩm phụ trợ chỉ mang nặng tính khẩu hiệu chứ chưa có một chính sách cụ thể khuyến khích, nếu DN nào đó sản xuất sản phẩm phụ trợ thì giá thành và chất lượng cũng không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Vì ngoài chính sách không thuận lợi còn nhiều yếu tố “chèn ép” khác: tham nhũng vặt làm đội giá thành, giảm lợi nhuận của DN và hủy hoại niềm tin của đối tác, khách hàng...

 

Theo THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên