MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số ý kiến của chuyên gia về Dự án sân bay Long Thành

Sáng ngày 1/6/2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Diễn đàn khoa học thảo luận về dự án sân bay Long Thành. Ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia tại buổi Diễn đàn này của chúng tôi.

Nhu cầu xây dựng sân bay Long Thành là không thể né tránh

Theo ông Lương Hoài Nam – Người được xem là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, Dự án Sân bay Long Thành đang được triển khai quá chậm.

“Lẽ ra Sân bay Long Thành phải được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 2005 và hoạt động từ khoảng năm 2010, để khỏi phải vất vả và tốn kém cho việc “cơi nới” Sân bay Tân Sơn Nhất (như đã và đang phải làm)” – Ông Nam nói.

Ông Nam khẳng định, nhu cầu xây dựng Sân bay Long Thành là vấn đề trước sau và không thể né trán. Càng “cơi nới” Sân bay Tân Sơn Nhất, càng lãng phí thêm thời gian, tiền bạc cho giải pháp tạm bợ, không phù hợp với xu thế phát triển sân bay trong khu vực và trên thế giới.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Sân bay Long Thành là dự án, gắn với tương lai của đất nước và dựa trên những luận cứ tương lai của thế giới. Do đó, không thể tiếp tục cơi nới sân bay Tân Sơn Nhất như đang làm hiện nay.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý rằng: Việc xây dựng sân bay Long Thành, quy mô sân bay cần phải tính đến ba biến số: lượng hành khách luân chuyển quốc tế, khả năng bùng nổ hành khách và hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không và khả năng đột biến trong phát triển của Việt Nam.

Dự án sân bay Long Thành có hiệu suất sinh lợi kinh tế - xã hội là 22,9%/năm

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế, chương trình của ông đã làm nghiên cứu độc lập về tính khả thi xây sân bay Long Thành. Đánh giá dựa trên văn bản của Bộ Giao thông vận tải vừa trình Quốc hội theo hướng giảm quy mô và đầu tư, ông Thành cho biết qua tính toán, suất sinh lợi kinh tế - xã hội nếu xây sân bay Long Thành là 22,9%/năm.

Nếu coi chi phí vay vốn là 10% “thì sân bay Long Thành là khả thi về mặt kinh tế, xã hội” - ông Thành khẳng định. Nguyên nhân là lưu lượng hành khách tăng. Theo tính toán tốc độ tăng trưởng hành khách từ 20 sân bay trên thế giới, nhìn yếu tố lịch sử TP.HCM, tốc độ tăng trưởng khách hàng không thường trên hai lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, ông Thành ước lượng đến năm 2020 lượng khách hàng không cho sân bay Long Thành đã đạt gần 30 triệu khách. “Nên cần thiết đầu tư” - ông Thành nêu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định nếu làm sân bay Long Thành thì chi phí đi lại của hành khách lại tăng đáng kể. Ngoài ra, suất sinh lợi tài chính của dự án chỉ 4% nếu Nhà nước không bỏ ra đồng tiền nào, nếu chưa thu thêm phí phát triển đánh vào hành khách. “Nghiên cứu 10 năm đầu, nếu vay thì khó mà trả nợ” - ông Thành nói.

Song, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng nguyên tắc đã khả thi về kinh tế - xã hội thì có thể làm. Không khả thi về mặt tài chính thì Nhà nước phải tính toán phải tham gia, bỏ tiền.

Có ý kiến nêu nên để Quốc hội quyết chủ trương đầu tư, còn các khả năng hiệu quả về tài chính, kinh tế - xã hội chưa cần phải làm rõ ngay, ông Thành cho biết không đồng ý quan điểm này vì một dự án muốn thành công cần rõ cả hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính.

Ông Nguyễn Xuân Thành đề nghị cơ chế đầu tư cho dự án cần được làm rõ xem: hỗ trợ ngân sách bao nhiêu, dùng vốn ODA thế nào, tăng nợ công bao nhiêu, đặc biệt là khả năng trả nợ...

Tại sao không bán sân bay Tân Sơn Nhất để lấy tiền xây Long Thành?

Vấn đề này được luật sư Trần Vũ Hải đưa ra tại diễn đàn. Theo luật sư Hải, dù về việc xây dựng sân bay Long Thành đã được Trung ương thông qua về mặt chủ trương nhưng về phía người dân vẫn còn rất nhiều điều băn khoăn.

“Hiện người dân muốn Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý phải giải trình rõ 160 ha đất dự định xây dựng sân goft mới, vì sao không dùng diện tích này để mở rộng Tân Sơn Nhất…

Ông Hải đặt câu hỏi: Nói Tân Sơn Nhất đã quá công suất, kinh doanh quá công suất thì tuyệt vời quá. Tại sao không “bán” ngay đi để lấy tiền xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành?

Ông cho biết, cách đây hơn chục năm đã có nhà đầu tư tới Việt Nam và “nhờ” ông tư vấn, tìm hiểu để đầu tư vào Tân Sơn Nhất nhưng bất thành. “Nay nếu chỉ cần chúng ta ngỏ ý bán thôi thì chắc chắn sẽ có ngay nhà đầu tư nước ngoài mua ngay” – ông nói.

Số liệu chưa thuyết phục

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa Tp.HCM, thì hiện nay thiết phải làm sân bay Long Thành.

Tuy nhiên theo ông, báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành không đạt yêu cầu tiền khả thi. "Đã có sự du di cho nhau để đưa lên Quốc hội. Báo cáo tiền khả thi trình Quốc hội đã cố làm lợi ích cao lên, chi phí nhỏ xuống, số liệu không rõ ràng. Do đó, người không có chuyên môn xem dự án này dễ bị đánh lừa” – Ông Tống nói khá thẳng thắn.

Ông lấy ví dụ việc phải đi quãng đường xa hơn thay vì đến Tân Sơn Nhất thì phải đến sân bay Long Thành, theo ông Tống, báo cáo tiền khả thi chỉ tính quãng đường xa thêm 15 phút, tính ra 14.000 đồng. “Nhưng đi taxi lên đó tối thiểu mất 400.000 đồng” - ông Tống nói.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên