MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2014, Việt Nam xuất siêu kỷ lục 2 tỷ USD

Năm 2014 cả nước xuất siêu khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD; cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm trước; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.

Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2014.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước tháng 12/2014 ước đạt 13,1 tỷ USD; giảm 1% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 14 tỷ USD; tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Kết quả đạt được trong tháng 12 đã nâng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước năm 2014 đạt 150 tỷ USD; tăng 13,6% so với năm 2013. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD; tăng 10,4% so với năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2012 và đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô); tăng 15,2% so với năm trước và đóng góp 10,1 điểm phần trăm. Nếu không kể dầu thô, khu vực này đạt 94,4 tỷ USD; tăng 16,7% so với măm trước. Đồng thời, theo Tổng cục thống kê, nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; giày dép chiếm 77% và hàng dệt, may chiếm 59,4%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 66,5 tỷ USD; tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 44,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước với mặt hàng chủ lực là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 24,1 tỷ USD. 

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ đạt 57,9 tỷ USD; tăng 15,9% so với năm trước và chiếm 38,6%. Hàng nông sản, lâm sản ước 17,8 tỷ USD; tăng 11,4% và chiếm 11,9%. Hàng thủy sản đạt 7,9 tỷ USD; tăng 17,6% và chiếm 5,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2014 (Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê)

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2014, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,5 tỷ USD; tăng 19,6% so với năm 2013. Trong đó tốc độ tăng kim ngạch một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là: Hàng dệt, may tăng 13,9%; giày dép tăng 26,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45%.

Các thị trường xuất khẩu chính tiếp theo là EU với kim ngạch đạt 27,9 tỷ USD, tăng 14,7%; ASEAN đạt 19 tỷ USD;  tăng 3,1%; Trung Quốc đạt 14,8 tỷ USD; tăng 11,8 %; Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 8%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD; tăng 18,1% so với năm 2013.

Trong khi đó, tính chung năm 2014, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước ước đạt 148 tỷ USD; tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,5 tỷ USD; tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD; tăng 10,2%.

Kim ngạch nhập khẩu trong năm của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ USD; tăng 20,2%; vải đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%; xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,3%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 10,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 25,6%; hóa chất đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9,5%; bông đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22,7%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 135 tỷ USD; tăng 12,5% so với năm 2013. Đây vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 55,6 tỷ USD; tăng 10,1% và chiếm 37,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu đạt 79,4 tỷ USD; tăng 14,3% và chiếm 53,6%.

10 mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam năm 2014 (Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê)

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD; tăng 18,2 % so với năm 2013. Một số mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này đạt mức tăng cao bao gồm: Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 9,5%; vải các loại tăng 20,7%.

Theo sau đó là các thị trường: ASEAN ước đạt 23,1 tỷ USD; tăng 8,2%; Hàn Quốc đạt 21,7 tỷ USD; tăng 4,9%; Nhật Bản đạt 12,7 tỷ USD; tăng 9,4%; thị trường EU đạt 8,9 tỷ USD; giảm 5,9%...

Như vậy, năm 2014 cả nước xuất siêu khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD; cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm trước; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.

Thặng dư thương mại của Việt Nam từ năm 2012 đến nay (Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê)

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, mặc dù mức xuất siêu 2 tỷ USD của năm 2014 là mức cao nhất kể từ năm 2012, góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế từ xuất, nhập khẩu hàng hóa chưa cao.

Điều này thể hiện rõ qua giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp với chủ yếu là hàng gia công, chế biến; trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu mạnh, chứng tỏ sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài của sản xuất và tiêu dùng trong nước, chưa vươn lên để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

>>>Tháng 11 xuất siêu trở lại, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên