MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2050, người dân sẽ được đi tàu cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt.

Tại cuộc họp ngày 4/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo từ nay đến năm 2020 phối hợp tổ chức quốc tế (JICA) hỗ trợ triển khai thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

“Từ sau năm 2020 triển khai đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, đến năm 2040 hoàn thành toàn bộ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau năm 2050, nâng cấp thành đường sắt cao tốc”, Bộ trưởng yêu cầu.

Về kế hoạch thực hiện đến năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ưu tiên nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đăc biệt ưu tiên triển khai trước đoạn TP. HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh.

Bộ Giao thông đã giao các đơn vị nghiên cứu triển khai về lưu lượng, dự báo vận tải để đầu tư cũng như phân kỳ đầu tư phù hợp; bên cạnh đó tổ chức các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, người dân, dự kiến cuối năm 2018 sẽ trình Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Đông cũng nêu lên những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, kỹ thuật, nhân lực…

“Ngoài ra, để triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao, tư vấn trong nước tiếp cận hạn chế, phải mời chuyên gia nước ngoài (Pháp, Nhật, Đức…) nhằm thuận lợi trong quá trình báo cáo cấp thẩm quyền, trình Chính phủ, Quốc hội”, Thứ trưởng Đông nói.

Đề cập nguồn vốn, Thứ trưởng Đông cho biết, ngành giao thông đã hoạch định cần 40-50 tỷ USD đầu tư đường sắt cao tốc, trong đó vốn nhà nước đáp ứng khoảng 28%, còn lại sẽ huy động các nguồn trong và ngoài nước như ODA, PPP...

Lãnh đạo ngành giao thông cũng khẳng định, trong tương lai, tàu cao tốc sẽ là phương tiện rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách bên cạnh các phương tiện như hàng không, đường bộ.

Chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu năm nay, theo đó trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, ngành đường sắt phải đáp ứng khoảng 3-4% thị phần vận tải hành khách và 4-5% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 15-20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM.

Đến năm 2050 sẽ đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa và sau năm 2050, triển khai tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao tốc 350km/h.

Năm 2010, Chính phủ từng trình đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư 56 tỷ USD, nhưng sau đó bị Quốc hội bác bỏ. Tuy nhiên, cả trước, trong và sau quyết định này của Quốc hội, việc nên hay không nên có đường sắt cao tốc Bắc - Nam luôn là một chủ đề gây tranh cãi.

Theo MẠNH NGUYỄN

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên