MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng trần bội chi lên 5,3% là cần thiết

Trong lúc này phải dùng công cụ ngân sách để giải quyết một số công trình cấp thiết để kích thích tăng tổng cầu.

Hôm nay (25/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2913; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Liên quan đến nội dung này, bên lề kỳ họp, phóng viên VOV phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP HCM).


PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thu ngân sách trong năm 2013?

Ông Trần Du Lịch: Tôi cho rằng thu ngân sách của chúng ta trong những năm vừa qua bao giờ cũng vượt so với kế hoạch đề ra, có năm vượt tới 15%, có năm vượt cả trăm ngàn tỷ nhưng năm nay lại không xảy ra tình trạng như vậy, chính vì vậy sẽ không có phần tăng chi cho đầu tư được.

Tôi cho rằng năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp khó khăn như tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 30% doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn 70% doanh nghiệp không phải đóng thuế. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều trong việc miễn, giảm thuế. Bắt đầu từ năm 2014 thuế thu nhập cũng giảm nữa. Như vậy, nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ khó khăn trong năm nay và năm tới.

Do đó, bên cạnh việc Chính phủ chi nhất thời, chúng ta phải tính toán lại tất cả các khoản chi. Dĩ nhiên trong nhiều năm tới chúng ta vẫn phải vay để đầu tư chứ như hiện nay thu không đủ chi thường xuyên thì làm sao có đầu tư nhưng phải tính toán lại kể cả các nguồn lực hiện nay đang có.

Trong lúc này, Chính phủ đề xuất tăng bội chi 2013-2014 lên 5,3%? Ông có đồng ý với đề xuất này?

- Bản thân tôi đã đề nghị tăng bội chi từ kỳ họp tháng 5. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang bị nghẽn, tổng cầu giảm quá mạnh, tín dụng không tăng được, chúng ta phải dùng công cụ ngân sách để giải quyết một số công trình cấp thiết của nhà nước để kích thích tăng tổng cầu.

Tuy nhiên, về nguyên tắc tôi ủng hộ việc tăng bội chi lên 5,3% GDP, vì mức đó, vẫn nằm trong trần nợ công, dưới 65% GDP mà Quốc hội đã quyết cho Chính phủ. Có nghĩa là “tiêu trước, thôi tiêu sau”.

Vậy việc tăng bội chi có kèm theo điều kiện gì hay không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, tăng bội chi phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, phải kiểm soát chặt chẽ phần chi này, trong một số công trình và Chính phủ đã nêu, như vấn đề mở rộng quốc lộ 1A, hoàn thiện quốc lộ 14 đang xuống cấp quá nghiêm trọng.

Thứ hai, việc tăng trần nợ công trong năm 2014, nhưng nếu từ năm 2015 khi nền kinh tế hấp thụ được tín dụng và có thể huy động được nhiều nguồn lực khác thì bội chi phải giảm xuống.

Và một điểm nữa, tôi đề nghị bên cạnh tăng trần nợ công, chúng ta phải rà soát lại toàn bộ nguồn lực nhà nước đang có mà sử dụng hiệu quả. Ví dụ, đề nghị một số doanh nghiệp Nhà nước hiện không cần nắm giữ nhưng lại đang rất có giá trên thị trường thì có thể thoái vốn. Nếu làm được như vậy thì trước mắt sẽ có hàng trăm ngàn tỷ để bổ sung nguồn vốn này. Chúng ta không nên bổ sung nguồn lực đang nằm chết, mà lại đi tăng bội chi.

Liên quan đến bội chi, chi thường xuyên hàng năm chúng ta “hô hào” giảm khoảng 10%, nhưng cuối năm lại vẫn tăng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Từ nhiệm kỳ trước, tôi cũng đã nhiều lần đề nghị là phải cắt tối đa chi thường xuyên kể cả chi phí tiếp khách, chi phí đi lại, chi phí đi nước ngoài … Chúng ta phải có những biện pháp thật cứng rắn và nghiêm minh trong vấn đề này.

Dĩ nhiên, có người cho rằng chi thường xuyên chủ yếu tiền lương. Đúng,nhưng một phần không nhỏ là những chi phí khác.Vấn đề sử dụng ô tô cũng là chi thường xuyên. Tôi cho rằng cần phải mạnh dạn thay đổi. Xây dựng trụ sở cơ quan làm việc đó không phải là chi đầu tư mà là chi tiêu dùng. Chúng ta đánh đồng việc xây dựng trụ sở, mua xe là đầu tư, đó là nhận thức cần thay đổi mà đây là chi tiêu dùng.

Vì đầu tư nên chúng ta vung tiền quá trán. Ngay cả Luật đầu tư công tôi cũng đề nghị xem xét lại vấn đề này. Xếp tất cả vào chi tiêu dùng nên khi nền kinh tế khó khăn thì phải thắt lưng buộc bụng cái này lại. Còn đã là chi đầu tư thì nó phải là tạo ra của cải vật chất. Ví dụ, vấn đề giao thông, trường học, bệnh viện mới là đầu tư.

 Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng xây dựng cơ bản đang thất thoát lãng phí, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Đây là vấn đề đại sự. Hiện chúng ta đang hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn thất thoát trong xây dựng cơ bản từ khâu thiết kế. Tôi được biết, có những dự án về cầu đường có thể thiết kế quy mô phù hợp thì sẽ giảm được hàng trăm tỷ đồng nhưng lại cho “hoành tráng lên” với quy mô không cần thiết. Theo tôi, từ khâu thiết kế, thi công, đến giám sát đều phải xem xét lại hết. Nếu làm tốt sẽ tiết giảm đầu tư rất lớn.

Hiện nay đang xây dựng Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu và hoàn thiện một số cơ chế để chống căn bản vấn đề này. Tôi cho rằng, bên cạnh đầu tư thì chống thất thoát, lãng phí, đặc biệt kéo dài công trình, đấu thầu bỏ bất cứ giá nào sau đó điều chỉnh và tăng nhiều lần lên thì phải chấm dứt, chứ không thể kéo dài.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố con số nợ đọng xây dựng cơ bản của trên cả nước đã lên tới 91.000 tỷ đồng. Theo ông con số này nói lên điều gì?

- Đây là hệ quả của cơ chế ngân sách và việc phân bố đầu tư không đều. Quan điểm của tôi là phải thay đổi căn bản vấn đề này khi có Luật Ngân sách, công trình nào của Trung ương đầu tư cho địa phương bằng vốn ngân sách Trung ương thì Trung ương phải giám sát xuyên suốt chứ không thể phân chia theo kiểu ABC được; công trình nào là nguồn thu của địa phương thì Hội đồng Nhân dân huyện phải giám sát.

Sẽ không có chuyện một dự án khởi công xây dựng mà dự án đó không được đóng dấuchuẩn chi. Anh muốn chi chỉ khi nào được thông qua trong dự toán ngân sách đó và được đóng dấu chuẩn chi thì mới giải quyết được vấn đề này.

Ở các nước khi lập dự án bao gồm hai phần: lập dự án trình Hội đồng Nhân dân hay Quốc hội đó là những giai đoạn tài chính ước chi nhưng khi thông qua các danh mục đó rồi, đóng dấu chuẩn chi rồi thì mới được khởi công. Chúng ta không theo kỷ cương như vậy nên mới xảy ra tình trạng như vậy.

Tôi đề nghị 3 cách giải quyết. Thứ nhất những công trình thực sự có trong kế hoạch nhưng do thiếu nguồn cung thì phải xử lý bằng cách tăng bội chi để xử lý công trình đó để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai, những công trình mới ra mà trong nhiều năm tới mới có chi thì lấy ngân sách của những năm tới bù cho cái này trước và năm tới cắt đi. Thứ ba, loại không có trong danh mục mà tự đặt ra thì lãnh đạo cơ quan quyết định phải chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên