MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NDT mất giá càng nhiều thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc càng tăng nhanh

Các tính toán chi tiết hơn cho thấy, khi đồng nhân dân tệ giảm giá 1%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm khoảng hơn 1%.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ vừa qua đã khiến cho nhiều người lo ngại, rằng các hàng hoá của Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn so với các hàng hoá của Trung Quốc, và do đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị sụt giảm mạnh.

Mặc dù vậy, một số tính toán thông kê lại cho kết quả ngược lại: khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng.

Ở một góc độ nào đó, đây là nghịch lý và cần được giải thích.

Chúng ta thường xem xét mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới góc độ cạnh tranh. Bởi vậy, khi giá hàng hoá của một nước trở nên rẻ hơn do nguyên nhân nào đó, chẳng hạn như khi nước này phá giá đồng nội tệ, xu hướng dự đoán là: Hàng hoá của nước kia sẽ bị “hất cẳng” trên tất cả các thị trường.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn mối quan hệ thương mại Việt – Trung dưới góc độ là các giao dịch mang tính bổ sung, mọi thứ sẽ khác.

Trên thực tế Việt Nam nhập khẩu máy móc, linh kiện, phụ kiện … từ Trung Quốc để gia tăng đầu tư và xuất khẩu. Ngược lại, Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều nông sản, nguyên liệu thô… từ Việt Nam để phục vụ cho mục đích tiêu dùng cũng như sản xuất.

Bởi vậy, khi xuất khẩu của Việt Nam gia tăng, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng theo. Và khi sản xuất của Trung Quốc phát triển, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng sẽ được cải thiện.

Với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gần 5% vừa qua, các tính toán cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ tăng khoảng gần 5%. Câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc lấy đâu ra nguồn lực để sản xuất lượng hàng hoá xuất khẩu tăng thêm này?

Chắc chắn là phần lớn các nguồn lực sẽ được lấy từ bên trong nước. Nhưng Trung Quốc cũng có thể nhập khẩu một phần nguồn lực nào đó từ các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng rằng, với quy mô xuất khẩu của Trung Quốc hiện ở mức hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm, nếu xuất khẩu của nước này tăng thêm 5% nhờ chính sách phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua, con số tăng thêm sẽ là hơn 100 tỷ USD.

Nếu như chỉ 1% nguồn lực để sản xuất số lượng hàng hoá tăng thêm này được nhập khẩu từ Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ USD. Con số này tương đương khoảng 7% giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2014.

"Với quy mô xuất khẩu của Trung Quốc hiện ở mức hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm, nếu xuất khẩu của nước này tăng thêm 5% nhờ chính sách phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua, con số tăng thêm sẽ là hơn 100 tỷ USD".

Các tính toán chi tiết hơn cho thấy, khi đồng nhân dân tệ giảm giá 1%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm khoảng hơn 1%.

Tất nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ giá giữa đồng JPY của Nhật Bản và đồng Euro của Liên minh Tiền tệ châu Âu so với đồng USD. Nếu các đồng tiền này giảm giá so với đồng USD trong khi tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD không đổi, hàng hoá của Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị sụt giảm và kéo theo xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm theo.

Ngoài ra, khi các đồng tiền như JPY, Euro giảm giá, hàng hoá của Nhật Bản và châu Âu trở nên rẻ hơn. Do vậy, người dân Trung Quốc, thay vì mua các hàng hoá giá rẻ từ Việt Nam, có thể chuyển sang mua nhiều hàng hoá chất lượng cao từ các nước này.

Sự giảm giá của đồng JPY, đồng Euro cùng với sự tăng giá của đồng nhân dân tệ so với USD diễn ra đồng thời trong thời gian gần đây chính là những yếu tố chủ đạo khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua, chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại ở một mức độ nào đó, khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên trong thời gian tới.

 

 

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên