MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NĐT nước ngoài được chọn điều ước quốc tế với ngành kinh doanh có điều kiện?

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất về ngành nghề kinh doanh có điều kiện là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể là khác nhau tùy vào điều ước mà nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.

Điều 10 Dự thảo Nghị định về áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư, quy định:

Trường hợp điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khác với quy định của Luật đầu tư, các luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Được áp dụng quy định điều ước quốc tế

Đối với nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về ngành, nghề hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh được lựa chọn áp dụng quy định tại một trong các điều ước đó.

Theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những vướng mắc phổ biến trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế hiện nay là chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư áp dụng cho cùng một đối tượng.

Do đó, có hai ý kiến được đưa ra, trước hết là đề nghị áp dụng nguyên tắc: nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về ngành, nghề hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh được lựa chọn áp dụng quy định tại một trong các điều ước đó.

Thứ hai là đề nghị không cho phép nhà đầu tư lựa chọn áp dụng điều ước quốc tế vì việc áp dụng này phải căn cứ vào quy định cụ thể của từng điều ước. Hơn nữa, theo quy định của Công ước Viên về điều ước quốc tế thì trong trường hợp có sự khác nhau giữa các điều ước quốc tế thì điều ước được ký kết sau sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đề nghị thực hiện theo loại ý kiến thứ nhất do một số

Thứ nhất, nhiều điều ước quốc tế về đầu tư không quy định nguyên tắc xử lý trong trường hợp điều ước đó có quy định khác với các điều ước có liên quan. Do vậy, việc căn cứ vào quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp này là không khả thi.

Thứ hai, việc áp dụng điều ước quốc tế theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư là vấn đề thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia và điều này thể hiện thiện chí của quốc gia đó đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nguyên tắc được thừa nhận tại Điều 26 Công ước Viên về điều ước quốc tế. Theo đó,mỗi điều ước quốc tế đang có hiệu lực đều ràng buộc các Bên tham gia và phải được thực hiện một cách có thiện chí.

Thứ ba, pháp luật đầu tư cũng như thực tiễn quản lý hoạt động đầu tư đều dành cho nhà đầu tư quyền được lựa chọn điều kiện đầu tư thuận lợi trong trường hợp pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Trên thực tế, đối với hoạt động đầu tư trong các ngành giáo dục, y tế, du lịch..., nhà đầu tư Nhật Bản đã được hưởng sự đối xử thuận lợi theo quy định tại Hiệp định đầu tư song phương Việt Nam- Nhật Bản, thay vì phải tuân thủ điều kiện đầu tư hạn chế hơn theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO.

Ký quỹ theo phương pháp lũy tiến từng phần

Liên quan đến ưu đãi đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định cần được áp dụng thống nhất để làm căn cứ xác định ưu đãi thuế và ưu đãi về sử dụng đất.

Nghị định cần bãi bỏ Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và Danh mục lĩnh vựcưu đãi thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP.

Một số điểm đáng lưu ý trong Nghị định như nhà đầu tư phải ký quỹ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Theo đó, việc ký quỹ thực hiện trên cơ sở văn bản giữa Cơ quan đăng ký đầu tư với nhà đầu tư theo các nguyên tắc quy định. Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án tại văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.

Hiện trong Danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có 72 ngành, nghề pháp luật Việt Nam đã qui định về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài; 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài; 128 ngành nghề chưa qui định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; và 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên