MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì hội nhập mới được 50%”

Vấn đề của ngành nông nghiệp là những vấn đề hết sức căn cơ. Nếu không xem xét sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các FTA đã được ký kết.

Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Nguyễn Cao Phúc – Đoàn Đại biểu Quảng Ngãi đánh giá, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu thụ một số mặt hàng khó khăn, tình trạng “được mùa mất giá” là điệp khúc của nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Theo Đại biểu Phúc, khi các FTA đã được ký kết, cần đẩy nhanh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu hiệu quả và bền vững, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư trong chế biến nông sản nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển hệ thống thu mua phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Dương Tuấn – Đoàn Đại biểu Bến Tre kiến nghị, cần hình thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và dịch vụ – 2 lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần thành lập tổ công tác liên bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Vấn đề của ngành nông nghiệp là những vấn đề hết sức căn cơ. Nếu không xem xét sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các FTA đã được ký kết.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Nguyễn Thanh Bình – Đoàn Đại biểu Vĩnh Long chia sẻ, các giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay chưa thực sự hiệu quả, điệp khúc “được mùa mất giá” nhiều năm chưa được giải quyết, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Theo Đại biểu Bình, trong xây dựng cơ chế cần khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, mở rộng thị trường như nông sản, trái cây; tránh đầu tư quy mô tràn lan, tăng cường hợp tác với nông dân để tiêu thụ nông sản.

Cùng chung quan điểm với các Đại biểu trên, song Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn Đại biểu An Giang cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo những kết quả đáng kể đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đó, sản xuất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập, nhiều sản phẩm nông nghiệp bị giảm sút kim ngạch xuất khẩu, khó mở rộng thị trường.

Khối lượng sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ, sản xuất manh mún. Việc gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do “dồn dập”, hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ nếu không tận dụng tốt sẽ trở thành là gánh nặng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì hội nhập mới chỉ được 50%. Phải hỗ trợ nông dân bằng những chính sách chiến lược cụ thể và đi vào thực tế” - Đại biểu đến từ An Giang nhận định.

Bên cạnh đó, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng kiến nghị, cần xây dựng chuỗi liên ngành chuyển gia công nghệ để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường. Chính phủ nên coi năm 2015 là năm trọng tâm đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào các thị trường.

Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận là hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhỏ bé, quy mô còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu.

Do vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài tháo gỡ khó khăn cho nông dân cần tháo gỡ cho doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên