MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga chính thức dừng đàm phán mua 49% vốn góp tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tập đoàn Gazprom Neft (GPN - Nga) đã có thư chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần trong tương lai.

Theo nguồn tin từ PVN về tiến độ thực hiện các công trình đầu tư năm 2015 đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc hợp tác với GPN trong thời gian tới sẽ bị tạm dừng.

Trước đó, ngày 21/8/2015 GPN đã gửi thư kiến nghị tới các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế ưu đãi, điều kiện để GPN tham gia hợp tác với Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và triển khai dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngay sau đó vào tháng 11/2015 Bộ Công Thương đã gửi thư phúc đáp Thư kiến nghị về cơ chế ưu đãi dầu tư vào BSR của GPN, với nội dung: Các ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sẽ không được áp dụng cho Công ty BSR sau thời điểm năm 2018; các ưu đãi khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Đến ngày 7/12/2015, PVN đã có thư gửi GPN thông báo về việc hết hiệu lực các ràng buộc giữa PVN và GPN theo Thỏa thuận Khung (HOA) đã ký ngày 6/4/2015 về hợp tác chuyển nhượng 49% phần vốn góp tại BSR, đồng thời thông báo kế hoạch triển khai cổ phấn hóa BSR để mời GPN tham gia với tư cách cổ đông chiến lược.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước ngày 25/12/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng PVN mời GPN sang làm việc để thông báo kế hoạch cổ phần hóa BSR cũng như việc không thể cấp ưu đãi như đề xuất của đối tác. Trên cơ sở đó đề nghị dừng đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN trong BSR và mời GPN với tư cách là cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, đến ngày 29/12/2015 thì GPN đã có thư gửi PVN, thông báo chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại BSR và sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần của BSR trong tương lai.

Theo lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, trong năm 2015 do đối mặt với nhiều khó khăn như chênh lệch tỷ giá, giá dầu sụt giảm sâu, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu....doanh thu của BSR vẫn đạt 616.185 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, nộp ngân sách là 104.809 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 4.692 tỷ đồng.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên