MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn ngừa mất cân bằng giới tính khi sinh

Hôm nay 3/11, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số tổ chức Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đến dự và chủ trì Hội thảo.

Hội thảo này là một trong những nỗ lực của ngành dân số nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe giai đoạn 2011 – 2020.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các đại biểu từ 63 tỉnh, thành phố và một số tổ chức quốc tế liên quan đã thảo luận về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp cho vấn đề này nhằm tăng cường các hoạt động can thiệp ở cấp quốc gia và địa phương.

Việt Nam sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong tương lai

Hiện nay toàn Châu Á thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới.

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới khi sinh nhưng sự thật là thách thức này rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên.

Theo Kết quả Tổng điều tra dân số 1/4/2009, có tới 45/63 tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó những tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) cao nhất (từ 120 - 130) đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 111,9 bé trai trên 100 bé gái năm 2011 và xu hướng rõ rệt này tiếp tục gia tăng.

Tình trạng mất cân bằng TSGTKS sẽ để lại hệ lụy nặng nề trong tương lai không chỉ về mặt xã hội mà cả về kinh tế, an ninh, chính trị và trật tự xã hội… Các chuyên gia về lĩnh vực nàydự báo nếu không được can thiệp một cách quyết liệt để làm giảm TSGTKS, tỷ số GTKS của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 115 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2015 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2049. Như vậy, vào năm 2049 mức này tương ứng với việc dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50”.

Các chuyên gia lo ngại, Việt Nam sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 -4,3 triệu nam giới trong tương lai.

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cũng được đề cập trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và việc lựa chọn giới tính trước khi sinh cũng đã được Chính phủ quy định là bất hợp pháp nhưng thực tế, việc thực thi luật pháp trong vấn đề này vẫn chưa nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn gia tăng là việc gia tăng cơ hội tiếp cận các kỹ thuật để nhận dạng giới và bỏ thai nhi trong khoảng 30- 40 năm nay và đặc biệt là tâm lý xã hội “trọng nam khinh nữ”. Cùng với đó, như ở nhiều nước khác, nhiều người còn chưa nhận thức rõ hậu quả của việc mất cân bằng giới tính cũng được coi là nguyên nhân đáng kể.

Tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất

Ảnh VGP/Việt Hà

Cho rằng tình trạng mất cân bằng GTKS ở nước ta đang trở thành vấn đề “nóng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sự gia tăng TSGTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc giảm thiểu mất cân bằng GTKS là một quá trình và không thể giảm được nhanh trong thời gian tới, nhưng chúng ta phải triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong giáo dục, y tế, việc làm, Việt Nam đạt được sự cân bằng và không bị áp lực về phân biệt nam nữ. Đây là những lợi thế xã hội mà chúng ta cần duy trì để đạt mục tiêu về cân bằng GTKS. Đồng thời, cần tập trung giải quyết một số vấn đề được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính đang gia tăng.

Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để thay đổi tâm lý xã hội “trọng nam, khinh nữ”.  Trong đó nhấn mạnh nhận thức đúng về vai trò của người con trong gia đình. Cần tuyên truyền để thay đổi quan niệm và thay đổi suy nghĩ về mô hình gia đình.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế rà soát, bố trí nguồn kinh phí tuyên truyền cho công tác dân số; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bàn giải pháp khai khác nguồn kinh phí hợp lý phục vụ tuyên truyền để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm thiểu mất cân bằng GTKS.

Cùng với việc tăng cường quy mô chất lượng lực lượng cộng tác viên cơ sở, ngành Y tế cần bàn với ngành Giáo dục để đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, các em sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới.

Đặc biệt, cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, đặc biệt đoàn thanh niên trong việc hạn chế tình trạng này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể để có kế hoạch và giải pháp cho vấn đề giảm thiểu mất cân bằng GTKS trong năm 2013 và những năm tới. 

Theo Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam đặt chỉ tiêu Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020. 

Theo Việt Hà

Chinhphu.vn

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên