MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách hụt thu 31.000 tỷ đồng: Sẽ bù đắp từ đâu?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giá dầu giảm và việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Ngày 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015. Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác.

Bù đắp hụt thu do giá dầu và giảm thuế TNDN

Về tình hình thu chi, cân đối ngân sách năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giá dầu giảm và việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, hụt thu ngân sách hơn 31.000 tỷ đồng phần bù đắp xin sẽ bán bớt phần vốn ở doanh nghiệp Nhà nước; trong đó 10.000 tỷ đồng bù đắp hụt thu ngân sách trung ương.

“Đối với số hụt thu còn lại, trong quá trình điều hành từ nay đến cuối năm Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rà soát thu thuế tập đoàn, tổng công ty, đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cương quyết thu nợ thì khả năng thu được 34.000 tỷ đồng nợ thuế:” – Thứ trưởng Mai thông tin.

Liên quan đến vấn đề quản lý ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng cần nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.

Nỗ lực cao nhất trong 2 tháng cuối năm

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng, xuất khẩu và FDI tiếp tục tăng dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp (giá nguyên liệu, dầu thô giảm, sự phá giá của đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền trong khu vực...).

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè, v.v...

Bên cạnh đó, thu chi ngân sách nhà nước còn rất khó khăn. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm (giá nông sản, thủy sản, các mặt hàng nguyên liệu thô giảm), nhập khẩu tăng mạnh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và kết quả đạt được là đáng phấn khởi.

“2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2015, tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng, cơ cấu tín dụng hợp lý và khả năng huy động vốn; tiếp tục kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Hoàng Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên