MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách thâm hụt, vay ‘nóng’ chi tiêu?

Nếu cuối năm, các khoản vay tạm thời không trả được, tốc độ chi không giảm thì bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 5% như Quốc hội duyệt.

Bộ Tài chính không thừa nhận thu ngân sách đang khó khăn nhưng lại có đề nghị vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước, phát hành trái phiếu, tín phiếu... Vậy không thiếu tiền thì vay nóng làm gì?

Xoay xở vay nóng

"Hơn 100 ngàn tỷ đồng bội chi vừa công bố chỉ là con số ước 7 tháng. Cuối năm, tốc độ giải ngân sẽ cao hơn và thâm hụt có thể sẽ tăng hơn", TS Phạm Thế Anh, chuyên gia tài chính công của Đại học kinh tế quốc dân chia sẻ.

Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng, cân đối thu- chi có vấn đề nên mới phải đi vay".

Thông tin gây nóng dư luận nhất tuần qua về ngân sách là việc Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Vụ Tài chính ngân hàng đề xuất vay tới 30.000 tỷ đồng cho ngân sách từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chưa hết, một thông tin khác chưa được công bố rộng rãi là Bộ này còn muốn vay một khoản gấp 3 lần con số trên, tới 95.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và nếu có điều kiện, sẽ tính vay thêm.

Với kênh huy động trái phiếu Chính phủ, để đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đang có ý định sẽ quay trở lại phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Đặc biệt, Bộ còn mở "room" cho các công ty bảo hiểm tham gia mua trái phiếu kỳ hạn tới 20 năm với tổng vốn huy động dự kiến 5.050 tỷ đồng.

Huy động trái phiếu không đủ, Kho bạc Nhà nước còn nhận chỉ đạo sẽ phát hành tín phiếu 20.000 tỷ đồng kể từ 15/6. Kỳ hạn chỉ có 3-6 tháng.

Cùng đó, để tăng thu, Bộ này đang thực hiện quyết liệt chưa từng thấy việc đòi nợ thuế doanh nghiệp. Tất cả các biện pháp cưỡng chế mạnh nhất đều đồng loạt thực hiện, từ việc phong toả tài khoản, đình chỉ hoá đơn đến công bố công khai danh tính, địa chỉ DN "nợ thuế".

Ban đầu là 600 doanh nghiệp với số nợ hơn 12.000 tỷ đồng. Mặc dù, sai sót khó chấp nhận đã xảy ra khi có ít nhất 8 công ty đã bị bêu oan nhưng Bộ này sẽ còn mạnh tay hơn. Kể từ quý IV tới, danh tính doanh nghiệp đang có nợ quá hạn từ 61 ngày trở lên sẽ được công khai hàng tháng.

TS Phạm Thế Anh bình luận: "Rõ ràng, cân đối ngân sách đang có khó khăn. Vấn đề là việc vay mượn nhiều như thế liệu có được sử dụng hiệu quả không?. Bộ Tài chính vay với lãi suất nào, liệu có trả được trong năm nay? Hiện chưa ai có thể tiếp cận được thông tin này".

Trong khi đó, các lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn khẳng định, thu rất tích cực và sẽ vượt dự toán.

Giảm chi vẫn gặp khó

Nếu nhìn từ các chỉ số kinh tế thì có thể thấy rằng, vấn đề thâm hụt, bội chi, nợ công của Việt Nam vẫn đang đi đúng kế hoạch mà Quốc hội đã duyệt. Bội chi mới bằng 44,5% dự toán. Nợ công dù là 110 tỷ USD nhưng vẫn dưới 60% GDP.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại là kịch bản nguồn thu quan trọng sụt giảm và các khoản chi ngay càng gia tăng không thay đổi.

Thứ nhất, giá dầu thô vẫn không khởi sắc. Hiện, giá dầu vẫn chỉ ở mức trung bình 60-63 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với dự toán ngân sách. 7 tháng đầu năm, nguồn thu này chỉ đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2015 trở đi, hàng loạt các dòng thuế về 0% theo lộ trình cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết khiến cho nguồn thu từ xuất nhập khẩu sẽ sụt giảm mạnh.

Đặc biệt, kế hoạch huy động trái phiếu năm nay gặp khó khăn, khi 7 tháng qua, mới chỉ phát hành được hơn 84.000 tỷ đồng cho mục tiêu 250 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng lên, đạt 444 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8,1%, chiếm gần 70% các khoản chi ngân sách. Chi trả nợ gần bằng chi cho đầu tư phát triển, đạt 91 nghìn tỷ đồng, tăng tới hơn 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Gần chục năm nay, chúng ta đặt mục tiêu giảm chi nhưng không thực hiện nổi", TS Phạm Thế Anh nói.

Ông phân tích: "Những năm qua, bộ máy hành chính vẫn phình to. Đương nhiên, tiền lương chi cho bộ máy này cũng sẽ phải tăng lên. Cùng đó là các khoản chi cho lễ hội, sinh hoạt văn hoá, quảng bá du lịch, đặc biệt là hàng loạt tỉnh đang dự định xây tượng đài, bảo tàng… hoành tráng".

Để tài khoá lành mạnh thì chi tiêu phải xem lại. "Thu bao giờ cũng khó khăn vì chúng ta không thể tăng thuế, tăng phí mãi được. Do vậy, không còn cách nào khác là phải giảm chi. Trong đó, cần phải thu gọn bộ máy hành chính, cắt giảm mạnh tay các khoản chi không cấp bách trên", ông Thế Anh nói.

Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Anh lo ngại: "Nếu cuối năm, các khoản vay tạm thời không trả được, tốc độ chi không giảm thì bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 5% như Quốc hội duyệt. Chưa kể, mục tiêu giảm nợ công kể từ năm 2016 chắc chắc cũng khó thực hiện".

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều trấn an dư luận rằng, các khoản vay như gói 30.000 tỷ chỉ là tạm thời, là vấn đề kỹ thuật trong điều hành ngân sách và đó là việc bình thường.

 

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên