MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành dệt may: Không hội nhập sẽ cùng sống nhưng “èo ọt”

Theo ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN, trong kinh doanh không có rủi ro thì cũng sẽ không có lợi nhuận. Nếu đóng cửa thị trường và chỉ cạnh tranh trong nước, các doanh nghiệp dệt may VN sẽ cùng sống nhưng ở thể trạng "èo ọt".

Nội dung nổi bật:

- Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN cho biết, trong kinh doanh không có rủi ro thì cũng sẽ không có lợi nhuận. 

- Nếu để cạnh tranh như hiện tại thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ cùng sống nhưng ở thể trạng èo ọt. Do đó, để phát triển và đi lên, ngành dệt may cần hội nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế.


Chiều ngày 20/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "FTA-Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam” nhằm chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của doanh nghiệp về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang và sắp ký kết trong thời gian tới.

Chia sẻ tại tọa đàm, ở góc độ Hiệp hội dệt may đánh giá về các FTA, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN cho biết “Trong kinh doanh, không rủi ro thì cũng sẽ không có lợi nhuận. Đối với ngành dệt may, các FTA có mang đến cơ hội mở rộng thị trường hay không, có tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu hay không…, việc mở cửa là yếu tố quyết định”.

Theo ông Trường, ở góc độ Hiệp hội dệt may Việt Nam đánh giá, sau một thời gian trở thành thành viên của WTO, động lực tăng trưởng và tạo việc làm mới của ngành không còn nhiều. Do vậy, các FTA chính là những “làn gió mới” tạo đà cho tăng trưởng, cũng như tạo cơ hội dịch chuyển tiếp tục quá trình công nghiệp hóa.

Đối với doanh nghiệp, các FTA là kịp thời và cần thiết để doanh nghiệp bước vào giai đoạn cạnh tranh và kinh doanh. Những ngành tăng trưởng tốt như dệt may, da giày cũng sẽ có lúc khó khăn, do đó cần hội nhập sâu hơn với quốc tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện nay có các thành phần đa dạng như: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI… tạo môi trường để cạnh tranh. Nếu để cạnh tranh như hiện tại thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ cùng sống nhưng ở thể trạng èo ọt. Do đó, để phát triển và đi lên, ngành dệt may cần hội nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế.

Hầu hết các hiệp định FTA đều yêu cầu phải cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Từng doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình kinh doanh, phải tự đổi mới, tìm hướng đi để có thể hội nhập.

Ông Trường cho biết, những lợi ích và khó khăn của việc tham gia các FTA đều đã rõ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp dệt may, lợi ích ở đây là lợi ích tiềm năng. Những người tận dụng được lợi ích có khả năng cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, có tỷ lệ phân chia lợi nhuận trên toàn khu vực.

Trong khi đó, đại đa số ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế. Do đó, yêu cầu tất yếu của hội nhập là nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm.

“Để cạnh tranh được, doanh nghiệp cần bỏ ra chi phí để điều chỉnh hoạt động, từ gia công đơn giản sang hàm lượng giá trị gia tăng cao. Những người biết tận dụng lợi ích là những người sẽ vượt lên, có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bản chất của hội nhập là có thắng có bại, nhưng tất cả chỉ là quá trình sàng lọc” – ông Trường nói.

Cũng tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đơn cử, với kim ngạch xuất khẩu 25 tỷ USD là con số nói lên tất cả, dệt may Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt.

Với tiềm năng tăng trưởng tốt, cùng cơ hội lớn từ các FTA mang lại, ngành dệt may cần làm gì để đón đầu cơ hội và bứt phá? Ông Trường cho rằng, không có bài giải chung cho tất cả các doanh nghiệp dệt may.

Có những doanh nghiệp không có khách hàng truyền thống, mà phải tiêu thụ thông qua các bên thứ 3. Bài giải cho những doanh nghiệp này thực sự khó khi các FTA đi vào thực hiện. Cơ hội lớn hơn dành cho những doanh nghiệp làm lâu hơn, có quan hệ trực tiếp với khách hàng trên thế giới. Những doanh nghiệp này cần tranh thủ tận dụng cơ hội chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội, dệt may Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức không nhỏ. Tăng sự chủ động của doanh nghiệp chỉ là một phần. Chi phí vận hành tại Việt Nam cũng cần cạnh tranh, chi phí cho dịch vụ công cần cạnh tranh.

Khi có cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ biết cách tránh rủi ro. Cạnh tranh cả về hạ tầng, chi phí hoạt động sẽ làm cho doanh nghiệp bớt thụ động. Doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đường đi cho mình.

“Tất nhiên, khi hội nhập sẽ có doanh nghiệp thành công với TPP, AEC… nhưng sẽ có doanh nghiệp thất bại. Khi doanh nghiệp thu được lợi nhuận lớn hơn, họ sẽ tạo ra được những dư địa tăng trưởng” – ông Trường nói.

Đối với doanh nghiệp dệt may, yếu tố đầu vào quan trọng nhất là nguyên vật liệu. Song hiện nay, tỷ lệ nguyên vật liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc còn khá lớn. Để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần chủ động được về nguyên vật liệu.

Về cạnh tranh, ngành dệt may có năng lực cạnh tranh lớn, hàng dệt may Việt Nam đang chiếm ưu thế và thị phần lớn trên một số thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Đối với các thị trường ở “khoảng giữa”, dệt may Việt Nam cũng đang dần làm chủ, áp lực cạnh tranh đi vào không lớn.

“Xử lý tốc độ đầu ra như thế nào là câu chuyện mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chuẩn bị” – ông Trường kết luận.

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên