MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành điện ‘khôn’ khi mượn cớ giảm phát để tăng giá

Lạm phát hạ nhiệt một cách rõ rệt khiến “cái cớ” để EVN tăng giá điện trở nên thuyết phục hơn hẳn. Tuy nhiên các chuyên gia KT cho rằng, “thuyết phục” không có nghĩa là việc tăng giá có lợi cho nền kinh tế.

Tập đoàn Điện lực (EVN) nhấp nhổm xin tăng giá điện từ lâu. Những gì họ giải thích cũng không hẳn vô lý bởi Việt Nam đã và sẽ còn thiếu điện. Với giá bán hiện tại, theo EVN, họ sẽ “lỗ chính sách” ngày một lớn, trong khi thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân vào ngành này cũng hết sức khó khăn.

Thời cơ để nhà đèn tiếp tục tăng được đánh giá đã chín muồi, khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng trên 2,5% sau 6 tháng đầu năm và nếu tính riêng tháng 6, CPI lần đầu tiên âm sau gần 40 tháng. "Dấu hiệu giảm phát là có, nên cái cớ để không cho EVN tăng giá điện đã không còn", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.

Trước đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng thêm 5% thì chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,369% (bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp). Do vậy, tổng hợp 2 đợt tăng gần nhất có ảnh hưởng tới lạm phát năm nay thì mức tác động dự kiến cũng chỉ trên dưới 0,7%. Trong một năm mà CPI dự kiến chỉ tăng khoảng 7-8%, ảnh hưởng của việc tăng giá là không quá lớn.

“Tôi nghĩ EVN khá khôn ngoan khi chọn lúc này để tăng giá. Thêm vào đó, thời gian điều chỉnh vào giữa năm, do vậy, các cơ sở sản xuất sẽ có thêm thời gian để thích nghi với giá điện mới”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn – Đại học Kinh tế - Luật TP HCM phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại nhận thấy tăng giá điện lúc này là nghịch lý, đặc biệt khi giá xăng dầu giảm, CPI giảm thì theo lẽ thường tình giá điện cũng phải giảm chứ không có lý gì lại đi tăng như vậy. Còn nếu để vin vào lý do tranh thủ CPI giảm, ngành điện tăng giá để bù lỗ là không thỏa đáng.

Theo ông Sơn, lỗ của ngành điện không phải do lỗi của người tiêu dùng nên không thể tăng giá bán để bù lỗ. “Làm ăn thua lỗ tại sao anh lại trả lương cho cán bộ nhân viên khá cao so với mặt bằng chung. Ngoài ra, cần xem lại năng lực điều hành như thế nào để bị lỗ… chứ không thể cứ lỗ là bắt dân và doanh nghiệp phải gánh chịu tất cả”, ông Sơn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng do tính chất nhạy cảm của mặt hàng điện cũng như lạm phát tăng cao trong 2 năm 2010 – 2011, nên sau lần 2 tăng giá năm ngoái (15,28% vào tháng 3 và 5% vào cuối năm), lần tăng thứ ba này không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Một nhận định cũng được hầu hết các chuyên gia chia sẻ là bất luận lý do của EVN có hợp lý như thế nào thì tăng giá điện hiện nay không thực sự có lợi cho nền kinh tế. Khi hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn, đình trệ sản xuất, hàng tồn kho lớn, việc giá điện - chi phí sản xuất - nhích thêm dù chỉ 5% cũng là một gánh nặng lớn.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích điều này chắc chắn ảnh hưởng tới doanh nghiệp, mà đầu tiên sẽ là giá thành. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang tắc đầu ra và muốn hạ giá thành để giải quyết tồn kho, thì các bậc tăng giá điện chủ yếu lại đánh vào các đơn vị sản xuất. Giá điện sản xuất cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306 đồng, mức tăng lớn nhất là 281 đồng. Còn giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng một kWh, tăng 170 đồng.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lý giải CPI giảm là do sức mua của người dân suy kiệt. Do vậy, giá điện tăng trong bối cảnh này sẽ càng khiến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên, làm cho sức mua của người dân thêm yếu đi và hàng tồn kho của doanh nghiệp nhiều hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ càng suy giảm chứ không thể tăng trưởng lên được.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thép, xi măng mà tăng giá sẽ khiến giá thành của nhiều mặt hàng khác tăng lên, cứ như thế, việc này sẽ gây tác động nhiều vòng và chỉ số giá cả chung sẽ tăng cao hơn mức tăng giá điện 5% của EVN.

Chuyện kiểm soát giá điện cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân rốt ráo của việc này là chưa có thị trường điện cạnh tranh. Trong điều kiện chưa thể thực hiện cạnh tranh như hiện nay, các chuyên gia đề xuất cần có cơ chế cụ thể để kiểm soát việc độc quyền của EVN. Ông Ngô Trí Long cho rằng chúng ta đang nói nhiều về thị trường cạnh tranh mà chưa nhắc tới việc kiểm soát độc quyền vì ngành điện cũng cần được xếp vào nhóm "độc quyền tự nhiên".

Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả cho biết: "Trên thế giới, nhiều nước như Anh, Australia, họ cũng đau đầu với ngành điện và bản thân họ đã thừa nhận đối đầu với những ông lớn như vậy rất khó khăn và chấp nhận xếp điện vào nhóm ngành độc quyền tự nhiên. Đồng thời, họ có những cơ quan kiểm soát độc quyền rất chặt chẽ".

Ngoài ra, một vấn đề được nhiều chuyên gia thắc mắc là việc kiểm soát EVN đang được giao cho Bộ Công Thương nhưng lại chưa thực sự hiệu quả. Hiện Bộ này vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa phối hợp Bộ Tài chính kiểm soát giá, vừa là đơn vị ra chính sách nên phải kiêm nhiệm "3 trong 1" dẫn đến xung đột về mặt lợi ích trong việc kiểm soát giá điện. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Bộ Công Thương khi tuyên bố trước công chúng thường đứng ở vai trò chủ sở hữu nhiều hơn là của một cơ quan giám sát vì họ liên tục kêu lỗ hộ EVN".

Theo Nhóm phóng viên

VnExpress


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên