MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành du lịch: Hạn chế bất cập, nâng tính cạnh tranh

Ngành du lịch đặt ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục hạn chế, bất cập, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016.

Năm 2015, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,94 triệu lượt, tăng 0,9% so với năm 2014. Lượng khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, năm 2016, ngành du lịch phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa; phấn đấu tổng doanh thu từ du khách đạt 370.000 tỉ đồng.

Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Du lịch đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2016.

Thứ nhất, tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, trong đó ưu tiên số một là hoàn thiện Luật Du lịch (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình trước Quốc hội. Ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP và Chỉ thị số 14 CT-TTg 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực chuyên ngành như: Lữ hành, lưu trú, quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ dưới tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP, việc chủ động hội nhập quốc tế được ngành du lịch xác định là nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 phải tập trung thực hiện trong năm 2016.

Cụ thể là ngành tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác du lịch trong ASEAN, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS); khai thác hiệu quả những lợi thế khi tham gia TPP, đồng thời hạn chế các tác động không thuận lợi.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ của ngành, nhất là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tại các địa bàn trọng điểm, những nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên và điều kiện phát triển du lịch như: Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng…

Năm 2016 cũng là năm ngành du lịch sẽ tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện lớn như: Phối hợp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Kiên Giang 2016 và xây dựng kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai. Tổ chức các hội chợ du lịch quy mô quốc tế tại Việt Nam như: VITM Hà Nội 2016, Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM, hội thảo quốc tế về du lịch và thể thao trong khuôn khổ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016.

Đây là những sự kiện lớn do ngành du lịch Việt Nam tổ chức với quy mô và tầm ảnh hưởng quốc tế.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ năm là đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch. Tăng cường liên kết sản phẩm theo lãnh thổ, chuyên đề; theo liên kết thị trường và đặc biệt gắn với các trung tâm du lịch các thành phố lớn. Việc liên kết xúc tiến quảng bá giữa Tổng cục và địa phương doanh nghiệp bộ, ngành liên quan cũng sẽ được tập trung chú trọng trong năm nay.

Cuối cùng, ngành du lịch xác định nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp và đồng bộ trong các hoạt động. Cụ thể, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất với Bộ VHTT&DL ban hành Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch. Hai chiến lược trên sẽ triển khai đồng bộ cùng Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020.

Theo Nguyệt Hà

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên