MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nào sẽ bị cạnh tranh nhiều nhất từ Liên minh Kinh tế Á – Âu?

Phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị, thủy sản, đồ gỗ, giấy, nông sản… được nhập khẩu nhiều nhất từ Liên minh Kinh tế Á – Âu. Mặc dù các dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, song nhiều chuyên gia và Hiệp hội vẫn lo ngại việc chưa xem xét và tham vấn kỹ lưỡng lộ trình cắt giảm thuế một số mặt hàng có thể là mối “đe dọa” cho các ngành sản xuất nội địa.

Những mặt hàng nhập khẩu chính và có kim ngạch lớn nhất từ EAEU bao gồm: xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị, quặng, cao su, thủy sản, gỗ - giấy, phương tiện vận tải và phụ tùng, nông sản. Theo đánh giá của bà Đào Thu Hương, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau.

Cắt giảm theo lộ trình

Ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ có khoảng 53% tổng số dòng thuế nhập khẩu từ EAEU sẽ được cắt giảm về 0%. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình, trong đó:

Năm 2018: sẽ có thêm 1,5% dòng thuế được xóa bỏ như chế phẩm từ thịt, cá, và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý…

Năm 2020: sẽ có thêm 22,1% dòng thuế được xóa bỏ như giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép…

Năm 2022: sẽ có thêm 1% dòng thuế được xóa bỏ như bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép…

Năm 2026: sẽ có thêm 10% dòng thuế được xóa bỏ như rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ…

Một số nhóm hàng cụ thể có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu như:

Xăng dầu sẽ cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm 2027

Nhóm hàng sắt thép: sẽ cam kết xóa bỏ ngay với nguyên liệu thô, ống thép hàn, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí,...; một số loại thép không gỉ, sản phẩm sắt thép... sẽ có lộ trình cắt giảm trong 5 năm; phôi thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và phủ màu, thép xây dựng... sẽ có lộ trình cắt giảm 7 – 10 năm.

Nhóm hàng phân bón: sẽ xóa bỏ ngay thuế đối với phân DAP, Urê, một số loại khác; Phân NPK có lộ trình 10 năm…

Nhóm hàng bia, đồ uống có cồn như Vodka, rượu mạnh khác; Rượu vang sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.

Nhóm hàng máy móc, thiết bị sẽ xoá bỏ ngay với dụng cụ, thiết bị quang học, sp công nghiệp kỹ thuật cao, hàng gia dụng, sp điện tử và linh kiện…; xóa bỏ theo lộ trình 3 năm với máy kéo, động cơ điện,…; xóa bỏ theo lộ trình 5 năm với dụng cụ từ kim loại cơ bản, ắc quy điện,…; và xóa bỏ theo lộ trình 10 năm: Pin, quạt, máy biến thế,…

Nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng sẽ có lộ trình căt giảm thuế trong 10 năm với Xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô dưới 10 chỗ, ô tô trên 10 chỗ, xe rơ-mooc, một số loại xe chuyên dụng thuộc danh mục ưu tiên; lộ trình cắt giảm thuế từ 5-7 năm đối với bộ phận và phụ kiện của thân xe, phanh và trợ lực của phanh, cầu chủ động, cụm bánh xe, túi khí, thùng nhiên liệu,…

Nhóm hàng nông sản sẽ xóa bỏ ngay thuế quan với thịt bò, sản phẩm sữa, bột mì; có lộ trình 3-5 năm với thịt, cá đóng hộp, và đã chế biến; lộ trình 5 năm: thịt gà, thịt lợn.

Nhóm hàng thủy sản sẽ xóa bỏ ngay với mặt hàng tôm, cua, hàu, mực…; có lộ trình 5 năm: cá tươi hoặc ướp lạnh (0302),…; lộ trình 10 năm: Cá đông lạnh (0303),…

DN chủ động nâng sức cạnh tranh

Cam kết theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như: trứng gia cầm lượng hạn ngạch ban đầu là 8.000 tá, với mức tăng trưởng hạn ngạch là 5%/năm; thuế suất trong hạn ngạch sẽ cắt giảm đến 0% vào năm 2018 và thuế suất ngoài hạn ngạch sẽ thực hiện theo quy định hiện hành; đối với mặt hàng thuốc lá chưa chế biến lượng hạn ngạch ban đầu là 500 tấn và thuế suất trong hạn ngạch sẽ cắt giảm về 0% trong năm 2020.

Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu sâu trong một số FTA, nên với mức thuế suất thấp, các sản phẩm hàng hóa Việt Nam sẽ không gặp phải lo ngại sự cạnh tranh từ EAEU.

Do đó, với lộ trình cắt giảm thuế như trên, các sản phẩm nhập khẩu từ EAEU không chỉ giúp đa dạng hoá sản phẩm cho người tiêu dùng, mà còn tạo nguyên liệu đầu vào cho gia công, chế biến phục vụ xuất khẩu, giúp giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ, góp phần tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, với năng lực cạnh tranh chưa cao, DN sẽ chịu sức ép lớn ngay tại thị trường nội địa. Hiện khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ. Do vậy, các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị DN cần xác định được lợi thế của mình, định vị được ngành hàng, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đòng thời, nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn, tận dụng cơ hội, sẵn sàng cạnh tranh.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên