MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nhựa Việt Nam nhìn từ hai "đại gia" NTP và BMP

Ngành nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15-20%/năm. Tuy nhiên phần lớn có quy mô nhỏ nên sẽ chịu áp lực cạnh tranh ở phân khúc nhựa cao cấp.

Tăng trưởng khá

 

Tại buổi hội thảo “Triển vọng và cơ hội đầu tư ngành nhựa” do CTCK Đông Á tổ chức vào ngày 27/11, ông Trịnh Vĩnh Quyền, bộ phận Phân tích đầu tư cho biết: “Ngành nhựa Việt Nam được đánh giá ngành non trẻ cho nên tốc độ tăng trưởng khá từ 15-20%/năm, một tốc độ tăng trưởng ấn tượng, gấp khoảng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP”.

 

Thống kê chỉ số chất dẻo bình quân đầu người tại một số nước cho thấy khối lượng tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trên thế giới và khu vực, thống kê năm 2000 chỉ số bình quân của thế giới là 36 kg nhựa/đầu người thì Việt Nam chỉ mới đứng ở con số khiêm tốn 12 kg nhựa/đầu người.

 

Điều đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành nhựa vẫn còn rất lớn đặc biệt là trong những phân khúc nhựa kỹ thuật cao, composite, nhựa y tế, nhựa vật liệu xây dựng…

 


(Nguồn: Triển vọng & Cơ hội đầu tư ngành nhựa, CTCK Đông Á)

Bất lợi do phụ thuộc đầu vào và quy mô nhỏ

 

Một thách thức lớn đối với ngành nhựa đó là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc 80-90% nhập khẩu, trong đó nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm nhựa. Từ đầu năm đến nay, không ít doanh nghiệp nhựa “lao đao” theo những biến động thăng trầm của giá dầu thế giới.

 

Đồng thời rào cản gia nhập ngành ở mức độ trung bình, quy mô vốn đầu tư không cao, lại thu hồi vốn nhanh, năng suất cao nên tạo nên một động cơ khuyến khích nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập ngành.

 

Thống kê cho thấy có khoảng 2.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%) ngành nhựa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Nhưng mặt trái của việc doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ lệ cao trong ngành đó là công nghệ lạc hậu do thiếu đầu tư, chịu áp lực lớn về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

 

Áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau đã rất lớn, thời gian tới theo lộ trình gia nhập WTO áp lực từ bên ngoài được dự báo sẽ lớn hơn khi các tập đoàn sản xuất lớn của châu Âu và Trung Quốc tham gia vào ngành, đặc biệt trong những phân khúc nhựa kỹ thuật cao đòi hỏi công nghệ hiện đại.

 

Nhìn từ hai “đại gia” NTP và BMP

 

CTCK Đông Á đã chọn hai “đại gia” Nhựa Tiền Phong (NTP) và Nhựa Bình Minh (BMP) để phân tích bởi vì nhiều lý do. Đây là hai công ty sản xuất nhựa xây dựng chiếm đa số thị phần cả nước, NTP chiếm 24%, BMP chiếm 20%, với tăng trưởng doanh thu bình quân từ 25-30%/năm cao hơn hẳn so với bình quân nhóm ngành (20-25%/năm).

 

Nếu xét về quy mô và hiệu quả thì NTP xếp thứ nhất với chiến lược kinh doanh dẫn đầu thị trường, khai thác thế mạnh độc quyền dựa trên phân khúc đã được xác định ở khu vực phía Bắc là các công trình an sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua kênh phân phối chủ lực đấu thầu là chủ yếu.

 

Còn BMP xếp thứ hai về quy mô và hiệu quả. Mạng lưới tiêu thụ của BMP lại tập trung tại khu vực phía Nam và miền Trung nên phân khúc thị trường chủ lực là người dùng cuối thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối là chủ yếu với một chính sách giá cạnh tranh hơn.

 

Khi được hỏi về thách thức từ việc xâm nhập thị trường trong thời gian sắp tới từ các doanh nghiệp bên ngoài khi rào cản gia nhập ngành thấp thì ông Quyền nhận định rằng do đặc thù các sản phẩm nhựa xây dựng (cồng kềnh, tốn nhiều chi phí để vận chuyển) nên khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu trong dài hạn là rất thấp.


Huỳnh Duy

duylinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên