MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thuế: Điều gì chờ đợi ở năm 2015?

Việt Nam là quốc gia có thời gian nộp thuế gần như cao nhất khu vực châu Á với 872 giờ mỗi năm; đứng vị trí 149 trên tổng 189 quốc gia trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hạng mục nộp thuế.

Giảm 290 giờ nộp thuế/năm cho doanh nghiệp trong năm 2014

Trong năm 2014, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan được coi là bước cải cách đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.

Riêng đối với lĩnh vực thuế, để thực hiện được mục tiêu cải cách, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức hiệp hội nghề, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để điều tra, đánh giá, rà soát và xác định nguyên nhân dẫn đến thời gian nộp thuế cao từ đó ban hành những quy định sửa đổi, bổ sung mới nhằm phù hợp với tình hình thực tế.

Kết quả là, sau hàng loạt các rà soát, sửa đổi, ngay trong năm 2014, số giờ nộp thuế của DN đã giảm thêm được xấp xỉ 290 giờ mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử đã đạt được các kết quả tích cực: Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia dịch vụ là 410 doanh nghiệp; Tổng số tiền đã nộp vào Ngân sách nhà nước qua cổng thông tin dịch vụ nộp thuế điện tử của cơ quan Thuế là hơn 239 tỷ đồng.

Như vậy, ngay trong năm 2014, cùng với nỗ lực của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã giúp đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử trên toàn quốc từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm). Khi Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ; từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm.

Môi trường cạnh tranh “tụt hạng” vì thuế?

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của Ngân hàng thế giới (World Bank), Việt Nam là quốc gia có thời gian nộp thuế gần như cao nhất khu vực châu Á với 872 giờ mỗi năm; đứng ở vị trí 149 trên tổng 189 quốc gia trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hạng mục nộp thuế.

Tại hội thảo “Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam tổ chức ngày 15/1, bà Joanna Nasr, đồng tác giả báo cáo Môi trường kinh doanh của World Bank cho biết: “Việt Nam đang đi đúng hướng khi những cải cách của ngành thuế đang giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ dễ dàng hơn so với trước đây.”

Tuy nhiên, cũng theo bà Joanna Nasr, trong năm tới, World Bank sẽ thay đổi cách tính trong báo cáo môi trường kinh doanh theo hướng mở rộng các chỉ số đo lường. Theo đó, thay vì chỉ đo lường khâu chuẩn bị, kê khai và nộp thuế, sẽ đưa thêm các chỉ số liên quan đến hậu nộp thuế để tính toán.

Trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, chỉ số nộp thuế sẽ được mở rộng để đo lường các quy trình sau kê khai, vốn cũng là một gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Cụ thể, các chỉ số mới gồm: quy trình thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế.

Những thay đổi này của World Bank khiến bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam lo lắng rằng “chỉ số mới có thể khiến môi trường kinh doanh Việt Nam tụt hạng”. Những khoản thuế được hoàn lấy từ ngân sách Nhà nước nên thủ tục hiện tại phải đảm bảo chặt chẽ. Song, thực tế tình trạng gian lận hóa đơn, chứng từ vẫn tồn tại nhiều.

6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2015

Triển khai thực hiện Quyết định số 3262/QĐ-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015, Tổng cục Thuế vừa mới ban hành Quyết định số 86/QĐ-TCT ngày về việc ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 với 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, cụ thể hoá hệ thống các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính; triển khai thực hiện Quy trình kiểm soát thủ tục hành chính.

Hai là, đánh giá tác động của thủ tục hành chính: Đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, 48/2013/NĐ-CP và Thông tư 07/2014/TT-BTP.

Ba là, công bố, công khai niêm yết thủ tục hành chính.

Bốn là, rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính đảm bảo thường xuyên, liên tục, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 986).

Năm là, kiểm tra từ 6 đến 8 Cục Thuế địa phương về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, niêm yết công khai, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, hành vi hành chính.

Sáu là, tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị theo quy định.

>>>Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nguy cơ tụt hạng vì thuế

>>>Ngành Thuế: Chính thức mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên