MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày 11/8 sẽ ra mắt Tổng công ty VNPT VinaPhone

Ngày 11/8 sẽ ra mắt Tổng công ty VNPT VinaPhone. Mục tiêu thách thức mà VNPT VinaPhone nhắm đến là đạt trên 30% thị phần dịch vụ di động và trên 80% thị phần dịch vụ băng rộng.

Tổng công ty VNPT VinaPhone sẽ do Tập đoàn VNPT sở hữu và nắm 100% vốn điều lệ, hoat động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. VNPT VinaPhone được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các bộ phận: kinh doanh, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật dịch vụ, tính cước, thu cước và một số bộ phận quản lý, hỗ trợ của 63 VNPT tỉnh/thành, Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone), Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I), Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC).

Vốn điều lệ của Tổng công ty VNPT VinaPhone là 5.200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Tổng VNPT VinaPhone là kinh doanh: các sản phẩm, dịch vụ viễn thông - CNTT; dịch vụ phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện; các dịch vụ nội dung, dịch vụ GTGT; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác.

Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT VinaPhone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.

Trả lời ICTnews trước đó, Tổng giám đốc VNPT VinaPhone Lương Mạnh Hoàng cho biết, điểm yếu quan trọng nhất của VNPT hiện nay là kinh doanh. Thực ra, từ khi Viettel lớn mạnh lên, VNPT cũng có những bước chuyển mình nhưng chỉ là bước tiến so với chính mình, vẫn còn khá khiêm tốn so với thị trường và đối thủ. Vậy để phát triển mạnh, phải có tư duy đột phá.

Muốn đột phá phải học hỏi từ đối thủ, đối tác trong và ngoài nước, những nhà khai thác đã thành công và có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Để thúc đẩy VNPT VinaPhone phát triển, ông Hoàng cho rằng, yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của đơn vị. Vì vậy, các cơ chế, chính sách để khơi dậy và thúc đẩy niềm đam mê, năng động, sáng tạo và cống hiến của các cán bộ, nhân viên là vô cùng quan trọng.

Trả lời câu hỏi về bài toán kết hợp hạ tầng để phục vụ kinh doanh sẽ ra sao khi được giao vai trò "chèo lái” VNPTVinaPhone, ông Lương Mạnh Hoàng cho rằng, kinh doanh là mục đích và hạ tầng là phương tiện. Hạ tầng là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Triết lý kinh doanh ngày nay đã thay đổi khi ta phải bán những gì thị trường cần chứ không phải bán cái gì chúng ta có.

Phải giải quyết được bài toán này mới hy vọng có thành công trong kinh doanh. Vì vậy, ý tưởng kinh doanh phải đi trước để hạ tầng bước theo một cách vững chắc. Cần nắm bắt, dự báo được những xu hướng, nhu cầu của thị trường trong tương lai để xây dựng và phát triển hạ tầng đáp ứng những xu hướng và đòi hỏi đó.

Đối với mục tiêu trước mắt đặt ra cho VNPT VinaPhone, ông Lương Mạnh Hoàng cho biết, tái cấu trúc VNPT lần này là một sự thay đổi sâu sắc nhất từ trước tới nay, từ mô hình tổ chức đến kinh doanh, mạng lưới, hành chính. Bản thân VNPT VinaPhone là một hệ thống kinh doanh của toàn tập đoàn, một hệ thống mới, một sự thay đổi lớn.

Đây là một mô hình chưa từng có trong tiền lệ nên trong giai đoạn đầu thành lập này sẽ không khỏi những bỡ ngỡ, chưa thể suôn sẻ. Vì vậy, trước mắt, công tác ổn định tổ chức là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với Tổng công ty VNPT VinaPhone.

Tuy nhiên, nguyên tắc tối cao đặt ra là các công việc liên quan đến tái cấu trúc, ổn định tổ chức... của VNPT không được ảnh hưởng tới khách hàng. Khách hàng sẽ không cảm nhận được những việc đang diễn ra bên trong VNPT suốt quá trình này.

Theo Thái Khang

Ictnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên