MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghi án doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván bóc sang Trung Quốc trốn thuế

Tại cuộc họp mới đây bàn về Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2012-2014, thực trạng và giải pháp, ông Tô Xuân Phúc (đại diện tổ chức Forests Trend) cho hay ở Việt Nam đang tồn tại thực trạng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván bóc khai giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thực tế nhằm giảm hoặc trốn thuế.

Theo báo cáo của tổ chức Forest Trends, ván bóc là mặt hàng xuất khẩu mới nổi của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này tăng đều qua các năm, tăng nhanh từ con số 3,6 triệu USD của năm 2012 đến khoảng 17 triệu USD năm 2014.

Cụ thể, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 251 ngàn m3 ván bóc, tăng từ dưới 67.000 m3 của năm 2013.

Ván bóc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu được làm từ các loài gỗ giá rẻ như bồ đề, keo, bạch đàn. Tại Trung Quốc, gỗ ván bóc có nguồn gốc từ Việt Nam được sử dụng làm lớp lõi gỗ dán trong xây dựng, trang trí nội thất và các sản phẩm nội thất.

Thông thường, 1m3 gỗ ván bóc tương đương với 3,3m3 gỗ tròn. Với tỷ lệ quy đổi này, lượng gỗ tròn Việt Nam sử dụng để sản xuất ván bóc phục vụ thị trường Trung Quốc là 313.400 m3 (2012), 220.000 m3 (2013) và 828.000 m3 (2014).

Năm 2014, mức giá bình quân gỗ ván bóc khoảng 68USD/m3, giảm tương đối nhiều so với mức giá của một năm trước đó (89USD/m3) nhưng tăng gần gấp đôi với với mức giá của năm 2012 (38USD/m3).

Tuy nhiên, theo tính toán của Forest Trend, mức giá xuất khẩu bình quân của gỗ ván bóc thể hiện sự bất thường.

Theo đó, nếu quy đổi 1 m3 gỗ ván bóc tương đương với 3,3 m3 gỗ tròn thì với giá gỗ tròn hiện nay khoảng từ 1-1,2 triệu đồng, giá nguyên liệu gỗ đầu vào để sản xuất 1 m3 ván bóc khoảng 3,3 triệu đồng. Con số này cao hơn 2 lần so với giá gỗ ván bóc xuất khẩu là 68USD, xấp xỉ 1,3 triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến các chi phí sản xuất khác có liên quan như lao động, điện và chi phí quản lý.

“Giá xuất khẩu nhỏ hơn nhiều so với chi phí sản xuất chỉ có thể giải thích bằng việc các doanh nghiệp xuất khẩu khai báo giá thấp hơn giá thành sản xuất nhằm trốn thuế. Hiện tại Chính phủ đang đang áp dụng mức thuế 5% đối với mặt hàng gỗ ván bóc xuất khẩu”, ông Tô Xuân Phúc (đại diện tổ chức Forest Trends) khẳng định.

Cũng theo báo cáo của Forest Trends, trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc, hàng loạt cơ sở chế biến ván bóc được hình thành ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh giáp Trung Quốc. Các cơ sở chế biến này đã tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ rừng trồng, giá thành thấp đặc biệt là gỗ keo tại địa phương, lực lượng lao động tại chỗ, công nghệ thấp được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Phúc, điều này cũng có thể lý giải tại sao sản phẩm đầu ra có giá trị thị trường thấp và vẫn còn mang đậm nét của hình thức xuất khẩu nguyên liệu thô, với mức giá xuất khẩu rất thấp.

Ông Phúc cho hay, so với các mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ, dăm gỗ, gỗ ván bóc là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thấp, đạt 17 triệu USD năm 2014. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tốc độ phát triển, đây là mặt hàng có mức độ nhanh nhất trong thời gian qua, với lượng gỗ xuất khẩu năm 2014 đạt 251.000 m3, tăng gần 4 lần với con số 66.606 m3 năm 2013.

"Xu hướng trong tương lai lượng ván bóc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh", ông Phúc khẳng định.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho hay hiện nay Trung Quốc đang mở ra con đường tơ lụa với mục tiêu thu gom nguyên liệu về Trung Quốc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và làm giàu cho nước này.

“Vấn đề ở đây là làm thế nào để không rơi vào bẫy con đường tơ lụa của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu từng loại gỗ như gỗ dăm, gỗ quý, gỗ xẻ….cần phải tìm cách nâng cao giá trị của sản phẩm để xuất khẩu tạo ra giá trị gia tăng cao sang thị trường này”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Theo Kiều Linh

Vinanet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên